Bánh đúc với cách làm đơn giản, dễ ăn đã sớm đã trở thành một món ăn quen thuộc của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Tùy vào sở thích và nét đặc trưng riêng, mỗi địa phương lại có những loại bánh đúc khác nhau. Cùng khám phá 2 loại bánh đúc nổi bật ở miền Nam là bánh đúc ngọt và bánh đúc mặn.
Cùng dòng chảy của thời gian, bánh đúc ngọt và bánh đúc mặn từ lâu đã gắn bó với tuổi thơ của biết bao người con miền Nam. Thức quà quê dân dã, giản dị nhắc người ta nhớ về quê hương trân quý. Nhớ về thuở nhỏ ngồi trông mẹ ngoài hiên, hay những kỷ niệm khó quên.
Bánh đúc ngọt
Bánh đúc ngọt hay bánh đúc cẩm thạch, là loại bánh được người dân miền Nam yêu thích. Bánh đúc ngọt có vị ngon vừa miệng lại đẹp mắt nên chỉ cần nhìn thôi, nhiều thực khách đã vô cùng thích thú. Món ăn giản dị có vị ngon ngọt, thanh mát, khi thử món ăn này dù chỉ một lần, thực khách sẽ phải lưu luyến mãi không thôi.
Miếng bánh đúc xanh xanh, thêm chút màu trắng, thoạt nhìn giống như vân đá cẩm thạch. Khi ăn, thực khách cảm nhận được độ dai nhẹ, mềm cùng hương thơm lôi cuốn và vị ngọt béo, ngậy, ngon quên lối về.
Bánh đúc ngọt có cách làm khá đơn giản. Nguyên liệu chính là bột năng được pha đều với nước cốt dừa và nước cốt lá dứa, sau đó bắt xửng lên hấp cho đến khi chín có mùi thơm dịu nhẹ. Pha bột có lẽ là khâu quan trọng nhất, mặc dù có cách làm đơn giản, nhưng nếu pha bột không đúng cách dễ khiến món ăn bị vón cục và bị hỏng.
Công đoạn này yêu cầu sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm, sao cho phần bột trắng và bột màu không hòa lại vào nhau mà tạo thành đường vân như đá cẩm thạch đặc trưng của món ăn này.
Lúc ăn, người ta cắt bánh đúc ngọt thành từng miếng vuông nhỏ, rưới thêm nước cốt dừa đã được nấu qua với đường và gừng, rắc ít mè trắng thơm lừng, làm dậy vị cho món bánh. Miếng bánh đúc nhỏ xinh, dai dai, hòa quyện với mùi lá dứa, mè rang thơm lừng, nước cốt dừa béo ngậy và tí gừng ấm bụng, ấm cả lòng người.
Bánh đúc mặn
Bánh đúc mặn miền Nam có cách làm kỳ công hơn so với bánh đúc ngọt. Khâu pha bột đòi hỏi tỉ lệ bột gạo, bột năng, nước cốt dừa phải chuẩn và thật tỉ mỉ, khéo léo, bánh đúc mặn làm ra mới thơm, béo, dẻo mềm nhưng không dễ bị nát.
Sau đó, người ta cũng bắt xửng lên hấp như bánh đúc ngọt. Điểm khác biệt là bánh đúc mặn sẽ có thêm phần nhân bánh và nước mắm ăn kèm. Nhân bánh được xào từ củ sắn (miền Bắc gọi là củ đậu) xắt hạt lựu, cùng với thịt và tôm khô.
Người miền Nam thường ăn bánh đúc mặn lúc đã nguội, dẻo, mịn màng kèm với giá dỗ, nước mắm tỏi ớt và một ít đồ chua để không bị ngán. Ai đã thử món bánh đúc mặn lạ miệng cũng phải xao xuyến mãi.
Không chỉ đơn thuần là món ăn ngon, bình dị mà còn là thức quà quê chứa đựng bầu trời tuổi thơ ngọt ngào, đong đầy kỷ niệm khó quên. Đừng bỏ lỡ hương vị đặc biệt ấy nếu có dịp ghé thăm miền Nam thân yêu.
Wanderlust Tips