Trên khắp Ấn Độ, các ngôi đền từ lâu đã không chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh mà tại đây còn phục vụ mục đích xã hội, cụ thể là cung cấp một nền ẩm thực đền chùa cổ mang đẳng cấp sánh ngang với những nền ẩm thực Á-Âu nổi tiếng.
1. Giới thiệu ẩm thực đền chùa
Tại Ấn Độ, nhiều ngôi chùa đã áp dụng truyền thống lâu đời là cung cấp thức ăn cho dân chúng, cho phép những người hành hương và du khách được thưởng thức những bữa ăn lành mạnh và ngon miệng mỗi ngày.
Bất kỳ ngôi đền Ấn Độ nào, dù ở thành phố hay ở nông thôn, đều sẽ có nhà bếp riêng, nơi các bữa ăn được nấu, thánh hóa sau đó phục vụ. Điều thú vị là các bữa ăn được cung cấp miễn phí hoặc với một mức giá rất rẻ. Tuy nhiên đây không phải là những bữa ăn thông thường. Điều làm nên sự khác biệt của ẩm thực đền chùa nằm ở chính hương vị đặc trưng cho mỗi vùng miền của đất nước, những món ăn này nổi tiếng là khó có thể bắt chước nấu lại y hệt.
Trên thực tế, rất nhiều đầu bếp có tiếng đã cố gắng nấu lại các món ăn đền thờ trong các nhà hàng cao cấp của họ, nhưng đều thất bại bởi họ không thể tạo ra được món ăn với hương vị kỳ diệu tương tự như bản gốc.
Sandeep Pande, bếp trưởng của khách sạn JW Marriot ở New Delhi, giải thích: “Đồ ăn trong đền thờ rất cổ xưa và được chế biến bởi những đầu bếp đặc biệt, được gọi là Maharajas hoặc Khanshamas, và là những thành viên có mối quan hệ huyết thống gia đình. Do đó, không thể tái tạo lại hương vị tương tự trong các nhà hàng, ngay cả bởi các đầu bếp được đào tạo.”
Thật vậy, rất khó để tìm được món ăn có thể sánh với hương vị của món puttu – món ăn làm từ bột gạo hấp, dừa và đường thốt nốt (đường mía), được phục vụ tại đền Meenakshi ở phía nam bang Tamil Nadu. Đây được coi là một trong những món ngon đến khó tin được phục vụ ở những chốn đền thờ linh thiêng của đất nước. Các món ăn trong đền thờ của Ấn Độ được chế biến theo phương pháp nấu ăn truyền thống, bao gồm cả việc sử dụng bếp than củi và nồi đất, tạo nên hương vị dân dã đặc trưng.
Các món ăn tại đây chỉ sử dụng những nguyên liệu ở địa phương từ các trang trại gần đó, họ thường cung cấp miễn phí một phần thu hoạch của họ cho vị thần chủ trì của ngôi đền. Điều này cũng làm cho ẩm thực đền thờ trở thành một kho lưu trữ trực tiếp các loại cây trồng và gia vị truyền thống. Một số ngôi đền thậm chí còn sử dụng nước từ một con suối hoặc giếng trong khuôn viên để nấu ăn.
Quy mô phục vụ của các bữa ăn cũng rất đáng nể, có những ngôi chùa phục vụ hàng nghìn lượt khách chỉ trong một ngày. Ví dụ, ngôi đền Shri Saibaba ở Shirdi, phục vụ tới 40.000 bữa ăn mỗi ngày trong suốt cả năm.
2. Nguồn gốc của ẩm thực đền chùa
Truyền thống bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại cổ của Ấn Độ, trong đó Chúa Vishnu – vị thần của bộ ba thần thánh Hindu bắt đầu một chuyến hành hương dài ngày. Trong hành trình của mình, chúa ngâm mình trong làn nước của ngôi đền Rameshwaram bên bờ biển ở miền Nam Ấn Độ, thiền tịnh tại Đền Badrinath ở phía Bắc, thăm Đền Dwarka ở phía Tây và dùng bữa tại Đền Jagannath ở bờ biển phía Đông.
Đồ ăn mà ông ăn được nấu bởi vợ của ông – nữ thần Hindu Lakshmi, và do đó thức ăn này được coi là thần thánh, tạo tiền đề cho một nghi lễ tiếp tục cho đến ngày nay, trong đó các món ăn được gọi là đồ ăn hiến tế được nấu riêng cho vị thần chủ trì của ngôi đền và sau đó phân phát cho các tín đồ.
3. Một số ngôi đền nổi tiếng cung cấp các món mang đẳng cấp ẩm thực thế giới
Dưới đây là một số ngôi đền nổi tiếng nhất cung cấp các món ăn ngon, bổ dưỡng cho đại chúng ở Ấn Độ.
56 loại thực phẩm của Đền Jagannath
Nằm ở bang Odisha thuộc miền đông Ấn Độ ở thành phố Puri, đền Jagannath thu hút 25.000 tín đồ mỗi ngày, nhưng con số đó có thể tăng đến một triệu lượt trong các ngày lễ hội.
Ngôi đền có từ thế kỷ 12 cung cấp 56 loại mặt hàng thực phẩm. Có 40 món rau và đậu lăng khác nhau, 6 món cơm và 10 món ngọt truyền thống như peethas, payesh, rasagola và malpua. Các bữa ăn được phục vụ sáu lần một ngày, được nấu tại một trong những khu phức hợp nhà bếp lớn nhất trên thế giới.
Theo phương pháp Ayurvedic cổ đại, thực phẩm được nấu chín chậm trong các nồi đất xếp chồng lên nhau thành từng nhóm chín. Tương truyền, thức ăn trong đền được nấu bởi nữ thần Lakshmi, không phải người nấu và nó không tỏa ra mùi thơm cho đến khi được dâng lên vị thần.
Jagabandhu Pradhan, một hướng dẫn viên của đền cho biết: “Đền Jagannath nhận được rất nhiều sự quyên góp, chủ yếu dưới dạng ngũ cốc, từ khắp các ngôi làng xung quanh nó. Trên thực tế, nhiều nông dân dành một phần đất của họ để trồng trọt những thực phẩm dành riêng cho ngôi chùa.”
Hadubhaina, một thầy tu trong đền, cho biết việc nấu nướng thường bắt đầu từ sáng sớm và phải hoàn thành trước 2 giờ chiều “vì chúng tôi không sử dụng bất kỳ ánh sáng nhân tạo nào trong nhà bếp. Khi đã vào bên trong, đầu bếp không thể ra ngoài trước khi bữa ăn được chuẩn bị. Trong suốt quá trình nấu, các đầu bếp hầu như không nói chuyện và phải che miệng và mũi của mình.”
Thức ăn đã chuẩn bị được đưa qua một hành lang để đến một không gian linh thiêng, nơi nó được thánh hóa. Sau đó, nó được phân phối đến một dãy ki-ốt, từ đó những người sùng đạo có thể mua thực phẩm với một số lượng nhỏ.
Những chiếc bình đất nung đã qua sử dụng sẽ được vứt bỏ và một bộ mới được mang đến vào mỗi buổi sáng.
Du thuyền cỡ đại ở Đền Tirupati Balaji
Tại đền Tirupati Balaji hay đền Venkateswara Swamy nằm ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ, theo truyền thống, Chúa Venkateswara xuất hiện trong đền hàng ngày, vì vậy nhiệm vụ của các tín đồ là phải dâng đồ ăn cho chúa.
Đền Tirupati phục vụ đồ ăn theo kiểu “Annadanam”, một từ tiếng Phạn dùng để chỉ việc dâng hoặc chia sẻ thức ăn, ước tính ngôi đền tiếp đón khoảng 80.000 khách hành hương mỗi ngày.
Một nhóm gồm hơn 200 đầu bếp sẽ chuẩn bị món Tirupati laddu mang tính biểu tượng của đền, một loại bánh ngọt hình tròn làm từ bột đậu xanh, cùng với 15 món ăn khác, bao gồm jalebi, dosa, vada và các món mặn khác.
Người ta tin rằng Vakula Devi, mẹ nuôi của Chúa Venkateswara, vẫn giám sát việc chuẩn bị thức ăn cho đến ngày nay. Và để cho phép bà trông coi mọi thứ trong nhà bếp của ngôi đền, một lỗ nhỏ đã được khoét trên tường.
Khi những người sùng đạo rời khỏi ngôi đền chính sau khi cầu nguyện, đồ ăn hiến tế, hoặc lễ vật, sẽ được phân phát cho mọi người, bao gồm một phiên bản nhỏ hơn của bánh laddu và các chế phẩm gạo trong ngày, được múc vào bát lá.
100.000 người được phục vụ hàng ngày tại Chùa Vàng Punjab
Bữa ăn miễn phí, được gọi là langar, được phục vụ tại tất cả các đền thờ đạo Sikh, hoặc gurudwaras, không chỉ ở Ấn Độ mà trên toàn thế giới. Truyền thống này được thực hiện bởi những thầy tu đầu tiên của đức tin Sikh, trong đó nhấn mạnh khái niệm phục vụ quên mình cho cộng đồng.
Các bữa ăn langar tại Sri Harmandir Sahib ở Amritsar thuộc bang Punjab, miền bắc Ấn Độ nơi thường được biết đến với cái tên Chùa Vàng đã nuôi sống hơn 100.000 người mỗi ngày. Du khách thuộc bất cứ tín ngưỡng nào, dù giàu hay nghèo đều có thể nhận được những bữa cơm nóng hổi đơn sơ do các tình nguyện viên phát gần như trọn vẹn.
Có hai nhà bếp chung và hai nhà ăn, với sức chứa tổng hợp là 5.000 người. Thức ăn được nấu đơn giản và bổ dưỡng, bao gồm bánh roti (bánh mì dẹt làm từ bột mì), các món từ dal (đậu lăng), rau và kheer (sữa và bánh gạo).
Theo Wanderlusttips
Sưu tầm: Ngô Diệp