Là chiếc nôi của nghề trồng lúa nước, Phú Thọ là vùng đất có nền sản xuất nông nghiệp sớm phát triển. Do vậy, cư dân nông nghiệp trong cộng đồng làng xã người dân đất Tổ đã sớm biết hưởng thụ ẩm thực, đưa ẩm thực trở thành nét văn hoá trong đời sống mỗi gia đình và cộng đồng.
Khi những đợt rét đậm qua đi, mùa xuân ấm áp tràn về trên khắp các làng quê ngõ xóm cũng là lúc mọi người bắt đầu cuộc hành hương về với vùng đất Tổ, để có được những giây phút thảnh thơi nhớ lại cội nguồn tiên tổ, mê say trong những điệu hát xoan, hát ghẹo. Trong khung cảnh tưng bừng đó, được thưởng thức những món ẩm thực của cư dân trồng lúa nước, trí tưởng tượng sẽ đưa mọi người trở về thuở bình minh xa xưa ông cha ta dựng nước.
Nếu như tâm điểm trong phần hội ở các lễ hội của người vùng cao Yên Bái, Lào Cai luôn gắn với trò chơi, thì hội làng vùng đất Tổ lại gắn với nhiều trò đua tài, đua khéo dựa trên các sinh hoạt trong đời sống nông nghiệp như thi nấu cơm, thi làm cỗ, thi làm bánh… Trong tiếng chày giã bánh rộn ràng, ngày hội giã bánh dầy ở thôn Hương Trầm, phường Dữu Lâu luôn thu hút đông đảo người dân bản địa và du khách tới xem và cổ vũ. Các cô gái nhanh tay chọn gạo, chàng trai tất bật thổi lửa chuẩn bị cho nấu xôi, giã bánh, xôi vừa chín tới được xới ra rồi đưa vào cối, xôi càng nóng càng giã càng dính đòi hỏi người giã không chỉ khoẻ mà còn phải thật khéo léo. Đến khi xôi rền thành một khối dẻo thì người cầm chày cái cắt nặn bánh, ước lượng sao cho ba chiếc bánh phải bằng nhau, tròn đều, xếp gọn vào mâm. Tiếng giã bánh thậm thình hoà vang cùng tiếng chiêng trống thúc giục liên hồi và tiếng hò reo náo nhiệt của người cổ vũ, gợi cho mọi người nhớ về thuở xa xưa Lang Liêu đang gói bánh chưng, bánh dầy trong cuộc thi tài chọn người kế nghiệp Vua Hùng. Với ý nghĩa đó, du khách càng mong muốn được thưởng thức miếng bánh dầy ngon và dẻo, thứ bánh “tiên chỉ” trong làng bánh Việt Nam nói chung và vùng đất Tổ nói riêng cũng là bánh đầu vị tế lễ thần linh.
Được gắn với truyền thuyết Hùng Vương và Tản Viên, theo quan niệm của người dân bản địa, các tục lệ nấu cơm thi được tổ chức là để ghi nhớ việc Vua Hùng dạy bảo các công chúa nấu cơm thi. Thi nấu cơm là hoạt động mang tính chất văn hoá đã trở thành ngày hội diễn ra nhiều nơi trên đất Tổ thường được tổ chức ở các đình làng. Với những điều kiện hết sức khó khăn như vừa đi vừa nấu, gánh nồi mà nấu… vậy mà người dự thi vẫn thổi được nồi cơm ngon. Cái tài đó của người dự thi không chỉ tôn vinh hạt gạo mà còn làm cho bát cơm càng trở nên hấp dẫn và ngon hơn.
Góp phần làm phong phú thêm món ẩm thực ngày Xuân vùng đất Tổ, cũng từ sản phẩm nông nghiệp địa phương, người dân nơi đây còn làm ra rất nhiều loại bánh ngon như: Bánh mật, bánh bỏng, bánh gai, bánh chè lam… Cùng với ý nghĩa tâm linh, việc làm cỗ bàn, bánh trái và các món ăn thịnh soạn là để dâng cúng tổ tiên, thần linh, dâng cúng xong thụ hưởng lộc thì chia cho nhau thưởng thức. Miếng ngon nhớ lâu, nét văn hoá này đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng sâu sắc và càng thôi thúc thực hiện ước nguyện trở về đất Tổ vào mỗi dịp mùa Xuân, lễ hội.
Nguồn: báo Phú Thọ