Cơn mưa to bất ngờ ập đến khi chúng tôi rời đan viện Châu Sơn (Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình) di chuyển sang địa phận Hòa Bình tìm chỗ ăn trưa.
Anh bạn đồng hành bảo sẽ dẫn mọi người đi ăn đặc sản của miền núi, cua đá, chịu khó chờ mưa tạnh rồi đi.
|
Đặc sản cua đá |
Mưa miền núi đến ào ào như thác đổ. Ngồi trong quán nhỏ bên đường, chiếc ghế bán hàng cứ lùi dần sát vào cửa nhà để tránh mưa hắt. Đôi ba chiếc xe tải chạy ngang dừng lại, cánh tài xế ghé vào uống chén trà nóng cho tỉnh, hút điếu thuốc cho ấm người. Quá trưa, nước mới ngớt trút, nhưng mưa vẫn lây rây giăng mắc, những đám mây sũng nước như chực ào xuống tiếp.
Từ đây sang bên Hàng Trạm (Yên Thủy, Hòa Bình) chưa đến 10km, phải tranh thủ đi nếu không muốn lỡ mất bữa trưa muộn.
Một nhà sàn dân tộc nằm ngay trên con đường lộ liên xã, khi chúng tôi đến đã gần 2 giờ chiều. Quán vắng, không có điện nên gian ăn trên nhà sàn trở nên lụp xụp vì thiếu sáng. Từ chối cô bé phục vụ mời ngồi bàn ghế, chúng tôi chọn chiếc chiếu trải ngoài bancông để có thể ngắm nhìn khoảnh sân sũng nước mưa, cũng vì muốn cảm nhận sự thoáng đáng của không gian núi rừng bên ngoài kia.
Cua đá là một đặc sản của miền sơn cước Hòa Bình, được đồng bào đi bắt ở những khe suối hiểm trở đem về bán cho các nhà hàng. Cua đá rất khỏe, chạy nhanh, sống trong khe suối, hang đá hay kẹt núi, bắt được là phải có nghề, thịt cua đá thơm ngon, ngọt và chắc hơn cua đồng rất nhiều, ăn vào vừa bổ vừa mát. Hình dạng cua đá bình thường như các loài cua khác nhưng lớn bằng nắm tay, có màu nâu tím. |
Bà chủ quán hồ hởi hỏi mấy vị khách xem muốn ăn món gì. Quán còn thịt lợn rừng nướng, nhím xào lăn và còn 5 con cua đá. Tôi tò mò hỏi cua đá là thế nào? Bà chủ thong thả: "Các cô cậu cứ ăn thử, mỗi người một con, còn dư một con thì để tôi ăn".
Bốn con cua đá mỗi con giá 15.000 đồng, bà chủ bảo sẽ đem hấp ăn với muối tiêu chanh. Người dân cũng hay giã cua đá để nấu canh, chứ không rang hay kho như cua đồng được vì vỏ cua đá rất cứng. Bốn con cua đá hấp bia xong để đầy một đĩa, toàn thân màu vàng cam, vỏ cua bóng loáng, nhìn chắc nịch.
Cua đá được dọn ăn kèm với rau húng, kinh giới và lá tía tô. Một đĩa muối chanh với ít gia vị mắc khén đặc trưng của Tây bắc. Mâm cơm trưa muộn còn có thêm những món ăn khá đặc trưng mà dân đi chơi vùng núi chúng tôi thường gặp: thịt lợn rừng nướng thơm nức, bì giòn tan, béo ngậy, nhím xào lăn với sả và quả lặc lày luộc chấm muối vừng. Rõ ràng cua đá hấp dẫn hơn.
Chúng tôi tách mai cua, gỡ thịt và chấm vào đĩa muối tiêu chanh. Thịt cua rất ngon, trắng chắc, thoang thoảng mùi thơm. Hai anh bạn đồng hành ngồi nhai cả vỏ cua rau ráu, tiếng vỡ giòn tan trong miệng nghe thật thích thú.
Câu chuyện về những chuyến đi trong một chiều mưa gió, ở một nơi rất xa thành phố, giữa núi rừng Yên Thủy, dường như không bao giờ cạn. Những cọng rau sống tươi non, thơm mát, như mang trong mình đầy ắp hương vị của núi rừng góp phần làm bữa ăn thêm nhiều cảm xúc.
Chiều chầm chậm rơi, như những giọt gianh trên mái lá cọ đã ải màu mưa nắng, nhìn xiên ra ngoài trời, mưa lại bắt đầu giăng trắng những sườn núi phía xa xa…
Nguồn : Tuổi trẻ