Đã dăm ba bận đến với Cù Lao Chàm, lần nào tôi cũng thưởng thức món mực một nắng và mang về làm quà cho người thân. Nhưng mực một nắng nướng tại chỗ, thưởng thức ngay trên bãi biển lồng lộng gió mới không gì ngon bằng.
|
Mực một nắng thành phẩm |
Ngày nắng. Từ bến đò Cửa Đại, chiếc thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi về phía đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam). Đảo bình yên và đầy quyến rũ, những bãi cát trắng chạy dài bên bờ biển xanh, đôi ba chiếc cầu cảng như bến đỗ đợi khách đến...
Một vòng quanh đảo, không chỉ tận hưởng gam màu nguyên sơ, hoang dã của bãi Chồng, bãi Hương, bãi Ông… khách du ngoạn còn được thưởng thức các món quà của biển ban tặng con người: những con cua đá, những chú cá ngọt lịm, sò điệp nướng thơm lừng… và cả mực một nắng trắng ngần, món quà như mang hương vị riêng của Cù Lao Chàm.
Tàu vừa cập bến đã thấy trên bờ vịnh san sát mái lá dựng tạm với những hàng quán bày bán nhiều loại đặc sản, phổ biến là mực một nắng.
Theo cư dân trên đảo, mùa câu mực thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Mỗi chiều, tầm mặt trời sắp gác núi ngư dân giần thúng chai bơi ra xa bờ độ ba bốn cây số. Đến nơi trời chạng vạng tối, họ bắt đầu chong đèn, thả mồi câu mực. Mực Cù Lao Chàm khá đa dạng với nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim... nhưng chỉ có mực ống mới chế biến được món mực một nắng ngon.
Người ta chọn những con mực vừa mang từ biển về hãy còn tươi rói, sau đó chỉ phơi duy nhất một lần nắng giòn.
Thật ra thao tác phơi chỉ là quá trình rút bớt nước cho bay bớt mùi tanh, mực còn ở dạng tái nên khi thưởng thức vẫn cảm nhận được độ tươi ngon của mực nhưng thấy cả hương vị của mực khô. Tuy nhiên, để mực một nắng ngon, người phơi cũng phải đảm bảo kỹ thuật, sao cho mực phơi rồi thân ngoài đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt vẫn còn tươi rói.
|
Mực sơ chế phơi dưới nắng vàng |
|
Ngọt ngào mực một nắng chấm với tương ớt |
Thường mực một nắng được du khách nướng tại chỗ, thưởng thức ngay trên bãi biển lồng lộng gió. Mực một nắng tuy chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa quá già. Lửa nướng vừa phải, hơi nóng sẽ làm mực chín cả trong lẫn ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt tự nhiên. Nếu để lửa già quá mực sẽ cháy bên ngoài.
Khi mực chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi là lúc mực vừa chín tới. Món này thường chấm với tương ớt cũng giống như mực khô nướng. Khi ăn, miếng mực ngọt ngào, mềm mềm, thơm phức, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt.
Chân đã bước lên tàu nhưng vẫn còn nghe đâu đây lời mời chân chất "mua một ít mực một nắng về làm quà đi cô” với nụ cười đôn hậu của người đàn bà xứ biển, chợt thấy lòng bình yên lạ lùng. Thế mới hiểu tại sao ai đã đến với Cù Lao Chàm một lần sẽ mang nhiều thương nhớ, không dễ gì dứt bỏ để rồi quay trở lại.
Nguồn : Tuổi trẻ