Đến từ quê hương miền Tây An Giang, bánh bò thốt nốt là loại bánh ngọt với màu vàng ươm khiến ai nấy ăn đều tấm tắc gật đầu khen ngon!
An Giang không chỉ nổi tiếng với các loại mắm mà còn tạo dựng hình ảnh trong lòng du khách gần xa nhờ món bánh bò. Tuy vậy, tùy vào từng khu vực lại có các loại bánh bò khác nhau. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn phải kể đến bánh bò thốt nốt ở vùng Bảy Núi An Giang, thuộc địa phận Tây Nam Bộ. Bánh bò ở đây được làm bằng đường thốt nốt tạo nên vị ngọt đặc trưng, chẳng vậy mà có cái tên “bánh bò thốt nốt”.
Thành phần làm bánh bò thốt nốt cũng chỉ đến từ các nguyên liệu cơ bản làm bánh như bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa và men. Ấy vậy mà người dân Bảy Núi An Giang lại có thể làm tạo nên một hương vị bánh độc đáo chẳng thể lẫn lộn. Theo người dân vùng Bảy Núi, đường thốt nốt dùng làm bánh phải là loại đường được sản xuất thủ công và không hề dùng đến hóa chất để đảm bảo an toàn. Hơn thế nữa, màu vàng đặc trưng của đường cũng làm nên sắc vàng lợt của bánh, hòa quyện cùng vị thanh thanh, beo béo nhưng không gắt của đường thốt nốt.
Khi đã có các nguyên liệu đặc trưng như gạo nàng Nhen Cũ – đặc sản vùng Bảy Núi, bột trái thốt nốt già, đường thốt nốt và ít nước cốt dừa, người ta sẽ đem trộn tất cả cùng với một ít nước và ủ kín qua đêm. Bí quyết để hỗn hợp nhanh lên men là người làm thường cho thêm một ít nước cơm rượu vào. Sang ngày hôm sau, thợ làm bánh dùng khuôn đựng bột và đem đi hấp, tùy theo số lượng bột mà thời gian hấp sẽ khác nhau. Chỉ biết rằng khi hấp mà ngửi thấy mùi hương tràn ngập cùng làn khói nghi ngút khiến ai nấy đều bị kích thích vị giác tức là bánh bò đã chín.
Tùy vào sở thích mỗi người, khi bánh hấp xong sẽ thưởng thức luôn hay thêm một vài nguyên liệu khác vào cho bánh bò thốt nốt “đậm đà”. Người dân An Giang sẽ rắc một chút dừa nạo lên và dùng lá “soong” – thứ lá đặc biệt riêng có ở vùng Châu Đốc để gói bánh lại. Vì hấp bánh vào khuôn to nên trước khi ăn, người ta sẽ cắt bánh thành nhiều miếng nhỏ, lúc này từng thớ bánh hiện ra nhìn xa cứ như những múi bưởi.
Bánh bò thốt nốt là món ăn chơi, khi dùng tráng miệng hoặc cũng có khi lại ăn cùng thịt heo quay. Dù cho là thưởng thức bánh theo cách nào, vị ngọt thanh lẫn mùi thơm của đường thốt nốt cũng rõ nguyên vị. Người dân An Giang hay trêu nhau rằng, chỉ cần mở xửng hấp bánh ra sẽ ngửi được mùi thơm nồng nàn, ngan ngát dân dã Bảy Núi. Thiết nghĩ cũng không hề sai khi các nguyên liệu làm bánh bò thốt nốt đều là những thứ đặc trưng của vùng quê này: cây thốt nốt, gạo Nhen cũ hay kể cả lá soong gói bánh.
Ảnh: Internet
Ngày này, có rất nhiều biến tấu của bánh bò thốt nốt bởi không phải ai cũng sở hữu được những nguyên liệu đặc trưng của Bảy Núi An Giang. Nhưng đúng như tên gọi của nó, dù có biến chuyển thế nào thì đường thốt nốt cũng là nguyên liệu không thể thay thế. Các “thợ bánh gia đình” ngày này có thể tìm được đường thốt nốt ở các siêu thị, cửa hàng và làm nhiều mẻ bánh bò thốt nốt, sau đó bảo quản vào hộp thủy tinh trong tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần lấy ra để nguội hoặc nhanh hơn khi cho vào lò vi sóng quay 20 giây là có thể ăn ngay.
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp