Bánh canh Nam Phổ không xa lạ với các tín đồ mê ẩm thực xứ Huế. Món ăn này có hương vị đậm đà và lạ miệng khiến cho các thực khách khi ăn thử lần đầu tiên sẽ không quên được.
Huế được mệnh danh là vùng đất của ẩm thực cung đình. Những món ăn nơi đây có được sự cầu kỳ trong cách chế biến và đặc sắc trong hương vị, đặc biệt là ẩm thực của làng Nam Phổ. Những món ăn đâm chất “Huế”, mộc mạc và giản dị như bánh bèo, bánh nậm, bánh ram và đặc biệt nhất là bánh canh Nam Phổ. Khi du lịch tại Huế, bạn không thể bỏ qua món ăn này và chắc chắn rằng hương vị của nó sẽ khiến bạn không bao giờ quên. Hãy cùng Wanderlust Tips khám phá món ăn đặc sắc này nhé!
Ẩm thực của cố đô Huế luôn khiến du khách tò mò
Nguồn gốc của bánh canh Nam Phổ
Bánh canh Nam Phổ bắt nguồn từ làm Nam Phổ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ một món ăn gia truyền của vùng quê nhỏ, giờ đây bánh canh Nam Phổ đã trở thành cái tên phổ biến nhất xứ Huế.
Từ thế kỷ thứ V, theo dòng người Nam tiến (từ Thanh, Nghệ, Tĩnh vào), dân làng Nam Phổ đã cần cù, chăm chỉ để xây dựng nên khu vực sinh sống cộng đồng. Những người đàn ông lo việc canh tác, còn phụ nữ lo việc nội trợ. Dần dần theo cách “gia truyền” người bà, người mẹ đã dạy cho con gái nữ công gia chánh, và từ đó làng nghề ẩm thực “Nam Phổ” hình thành. Chỉ cần nghe đến tên “Nam Phổ” mọi người sẽ biết ngay đó là đặc sản xứ Huế.
Hàng trăm năm qua, người Huế vẫn hết mực tự hào về món ăn nổi tiếng được lưu truyền. Một món ăn gắn liền với gánh hàng rong của người Nam Phổ và được nối nghiệp qua nhiều thế hệ. Với các thành phần đơn giản nhưng cách chế biến món ăn rất tinh tế, khiến những người dân xứ Huế xa quê hay bất cứ du khách ghé đến đều muốn thưởng thức cho bằng được.
Điều gì khiến món ăn này đặc biệt?
Để làm ra một tô bánh canh Nam Phổ, người đầu bếp không cần chuẩn bị cầu kỳ về nguyên liệu, chủ yếu sẽ là sợi bánh cánh, chả cua và tôm, một số gia vị và rau ăn kèm. Nhìn món ăn đơn giản nhưng cách chế biến lại yêu cầu người đầu bếp phải có một đôi bàn tay tỉ mỉ.
Tô bánh canh đơn giản nhưng lại mang giá trị lịch sử
“Con bột” của Nam Phổ khác biệt
Con bột để làm bánh canh Nam Phổ cũng khác với nhiều nơi. Thông thường, các loại bánh canh ở miền Trung làm từ sợi bột được nhồi và cắt thành sợi nhỏ dài. Thế nhưng, “con bột” của Nam Phổ được chế biến công phu hơn.
“Con bột” Nam Phổ được chế biến cầu kỳ
Bột được trộn với tỷ lệ 3 gạo – 1 lọc, sau đó đem hấp cách thủy, khi sánh lại thì cho bột vào bọc, cắt một đầu nhọn để tạo hình sợi bánh khi thả vào nồi nước sôi. Người nấu phải canh đến khi sợi bánh đổi thành màu trắng đục, bắt đầu sệt lại thì vớt ra. Từng con bột thuôn tròn, không bị vữa, màu trắng nõn nà và bắt mắt. Bánh canh lúc này sẽ dai nhẹ, ăn rất vui miệng.
Sợi bún óng ánh thu hút mọi ánh nhìn
Nước dùng ngọt thịt tôm là “linh hồn” không thể thiếu
“Linh hồn” của bánh canh Nam Phổ là nước dùng. Nguyên liệu được sử dụng để tạo độ ngọt cho nước dùng là tôm và cua. Tôm được sử dụng là loại ở đầm, tươi, không tanh và thịt ngọt đậm đà. Sau khi được làm sạch, giã nhuyễn sẽ vo thành viên và nấu thành hỗn hợp sánh đặc. Màu đỏ đặc trưng của tôm hòa cùng thịt ba chỉ tạo nên màu đỏ gạch bắt mắt và kích thích vị giác.
Nước dùng màu đỏ gạch từ thịt tôm tươi, ngọt
Ngoài ra, nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ và tôm tươi sần sật. Đến với Huế, bạn sẽ bị cuốn hút bởi tô bánh canh Nam Phổ có sợi bánh màu trắng, thịt chả tươi ngon và xen lẫn chút mắm ớt cay nồng càng làm tăng thêm hương vị. Sự hòa quyện của các nguyên liệu tươi ngon và công thức nêm nếm gia truyền đã giúp món ăn nhận được sự yêu mến của các tín đồ ẩm thực.
Người phụ nữ đã bán món bánh canh Nam Phổ hơn 60 năm
Bánh canh Nam Phổ tuy chỉ là món ăn mộc mạc nhưng lại có sức mê hoặc với biết bao thực khách. Mỗi người dân Nam Phổ qua bao thế hệ vẫn luôn tự hào về món ăn này với bạn bè muôn nơi, hương vị của bánh canh Nam Phổ vẫn in sâu trong trí nhớ của họ, không bao giờ phai nhạt.
Wanderlust Tips
Sưu tầm: Ngô Diệp