Nhà văn Vũ Bằng đã có những nhận xét rất tinh tế về món ăn dân dã và gần gũi này trong tác phẩm “Món ngon Hà Nội”: “Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ”.
Người miền Bắc coi bánh đúc là món quà dân dã mà khó quên. Bánh đúc như làn gió đồng quê man mát, đem lại hương vị vừa thân quen vừa mới lạ cho người thành phố. Cái vị ngầy ngậy, giòn giòn, mềm mượt của bánh đúc quyện với mùi thơm và vị ngọt của tương đem lại cho người ăn cảm giác thật lạ miệng.
Bánh đúc có ngon, có giòn được hay không phụ thuộc vào khâu chọn gạo. Rất giản dị, bánh được nấu từ bột gạo pha với ít nước vôi trong. Đơn giản vậy thôi nhưng người nấu phải có bí quyết riêng của mình và thêm chút kì công. Công đoạn pha bột gạo với nước vôi trong tưởng chừng dễ dàng nhưng ngay từ đầu đã phần nào quyết định độ giòn và dẻo của bánh đúc. Nếu pha nước vôi quá tay bánh sẽ có vị mặn và nồng của vôi, pha ít thì bánh sẽ dễ nhão không được giòn. Trong quá trình nấu bánh làm sao không để bột vón cục, không được khê hay cháy nên phải đảo liên tục và đều tay. Để bánh có vị ngọt bùi, người làm bánh cho thêm nhân lạc vào. Một chiếc bánh đúc mầu trắng ngà, mịn như thạch, loáng thoáng điểm thêm mấy hạt lạc nâu hồng nom thật ngon mắt, chỉ thoáng tưởng tượng thôi đã thấy thèm. Bánh đúc được xắn thành từng miếng, ăn giòn, mát là thứ quà ai cũng thích. Bánh đúc lạc chấm với tương mà đặc biệt là tương Bần thì rất tuyệt.
Ở các chùa trong những ngày tháng 7 Âm lịch, nhà chùa thường nấu rất nhiều bánh đúc, trước là để cúng chúng sinh, sau để các Phật tử thụ lộc. Tôi còn nhớ ngày bé được theo bà lên chùa vào những ngày này, nhà chùa cúng Rằm với rất nhiều sàng bánh đúc được lót lá chuối bày trước sân chùa để làm lễ. Và sau đó, tôi cũng được thưởng thức “món cỗ” chay rất ngon này. Bà tôi thường bảo bánh đúc bày sàng ăn thế mới ngon, nên mỗi khi nông nhàn bà lại nấu bánh đúc lạc đổ vào sàng lót lá chuối, khi bánh nguội cả nhà cùng quây quần thưởng thức. Có lẽ, không khí quây quần đầm ấm bên sàng bánh đúc đó đã tạo cảm giác cho mọi người thật ngon miệng với món ăn dân dã này.
Người thành phố có thêm nhiều cách thưởng thức món bánh này, tuy nhiên cách làm của món bánh không có gì thay đổi. Người quê dân dã thường thưởng thức bánh đúc với nước tương- và đây cũng là gia vị mà chính họ làm ra. Người ta còn có thể thưởng thức bánh đúc với canh riêu cua vào mùa hè, sang hơn một chút là với giò heo. Còn ở thành phố, người ta có thể thưởng thức bánh đúc với nộm, kèm theo món đậu rán và cả món bánh đúc nóng… Dù thưởng thức theo cách nào, mọi người đều vẫn cảm thấy cái cảm giác thanh khiết, nhẹ nhàng khi thưởng thức món ăn dân dã này.
Cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều món ăn và thức lạ xuất hiện, nhiều người cũng quên dần những món ăn dân dã truyền thống như bánh đúc. Nhưng đối với nhiều người trong nỗi nhớ quê thì bánh đúc vẫn là một món ăn rất gần gũi và thân quen. Những tiếng rao "Ai bánh đúc nào! Bánh đúc lạc đây!” vẫn thi thoảng vang lên trên nẻo đường, ngõ phố Hà Nội như nhắc ta nhớ đến những dư vị khó quên của một thời, một đời.
Nguồn : QH