Bánh Gai là loại bánh ngọt truyền thống bắt nguồn từ vùng Đông Bắc Bộ. Bánh Gai được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị ngọt ngào, thơm bùi cùng màu sắc độc đáo. Cùng Wanderlust Tips tìm hiểu món bánh độc đáo này nhé!
Nguồn gốc của bánh Gai
Bánh Gai từ lâu đã được biết tới như một thức quà quê thơm ngon, đậm đà hương vị làng quê Việt Nam.
Có rất nhiều giả thuyết về sự ra đời của loại bánh này. Trong đó, cách giải thích được nhiều người tin tưởng nhất gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân. Chiếc bánh Gai tượng trưng cho sự hài hòa giữa đất trời với con người.
Vỏ bánh màu đen cùng hương vị mềm dẻo của bột lá nếp tượng trưng cho tình yêu lứa đôi bền chặt và chung thủy. Trong khi đó, sự sung túc được thể hiện qua vị thơm ngon của ruột bánh.
Ở một số nơi, bánh Gai được bày trên các mâm cỗ cúng vào dịp lễ Tết nhằm tưởng nhớ cho công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của tổ tiên. Ngoài ra, ở một số tỉnh thành như Hải Dương, Nam Định, người ta còn dùng món bánh này như lễ vật hỏi cưới.
Đặc sản bánh Gai nổi tiếng phải kể đến: Bánh Gai bà Thi – Nam Định; bánh Gai Ninh Giang – Hải Dương và bánh Gai Chiêm Hóa – Tuyên Quang hay bánh Gai Tứ Trụ – Thanh Hóa…
Bánh Gai và những điều đặc biệt
Làm bánh Gai cầu kỳ và khó hơn các loại bánh truyền thống khác, vì thế để làm ra chiếc bánh chuẩn vị đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ và cẩn thận trong từng công đoạn.
Tùy từng vùng miền và cách làm bánh Gai cũng có điểm khác biệt, nhưng tựu trung có 3 thành phần chính: bột nếp, lá gai, đậu xanh. Đặc biệt, công tác chuẩn bị nguyên liệu trước khi làm bánh rất quan trọng.
Lá chuối được dùng để gói bánh. Người ta thường phải hái lá chuối từ trước khi gói bánh khoảng 2 đến 3 tuần để phơi nắng cho lá héo lại. Bên cạnh đó, lá gai cũng được đem về tước gân, rồi phơi khô để tạo màu đen ấn tượng cho bánh.
Sau đó lá gai được giã nhuyễn và trộn chung với bột nếp. Khi giã, lá gai chuyển từ màu xanh thành xanh đen và khi hấp bột chín mới chuyển hẳn sang màu đen. Phải mất rất nhiều thời gian giã bột để khi làm xong, bánh dẻo quánh, thơm ngon và đặc biệt là không bị ướt.
Màu của lá gai cũng chính là một trong những điều đặc biệt, tạo nên thương hiệu riêng độc đáo chỉ có ở loại bánh này, dễ dàng thu hút những tâm hồn yêu ẩm thực từ khắp mọi nơi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Theo người dân, bánh phải được hấp trong khoảng 5 tiếng để có độ dẻo, thơm ngon nhất. Sau khi hấp, bánh sẽ được đổ ra rổ lớn, người làm bánh phải thấm nước trên vỏ lá bằng khăn sạch. Những chiếc bánh Gai đã được phơi khô được buộc thành từng đôi và giữ được hương vị thơm ngon lâu hơn các loại bánh truyền thống khác.
Thông thường, trong vòng 1 tuần bánh vẫn giữ nguyên độ ngon, rền như khi mới hấp xong. Sau đó khoảng 1 tháng hoặc hơn bánh khô lại và cứng hơn, tuy nhiên bạn có thể hấp lại để thưởng thức vị bánh ngọt ngào, mềm dẻo.
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp