Nhắc đến bánh gai thì có rất nhiều làng quê trong cả nước sản xuất thứ bánh đặc sản này. Nhưng ai đã một lần thưởng thức bánh gai Tứ Trụ của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa thì không thể quên được hương vị thơm ngon, đặc biệt của món ăn đậm chất dân dã.
Và bánh gai Tứ Trụ từ lâu đã nổi tiếng như một thương hiệu, trở thành món quà không thể thiếu với những ai đã từng một lần đến với xứ Thanh.
Bánh gai Tứ Trụ |
Bánh gai Tứ Trụ có một mùi vị đặc trưng thật lạ. Quy trình làm bánh gai tuy không khó nhưng khá công phu. Lá gai khô sau khi làm sạch phải đem luộc chín, sau đó vớt ra, để ráo nước rồi giã thật nhuyễn. Đem bột lá gai giã nhỏ trộn đều với bột gạo nếp và mật mía, tạo thành một thứ bột dẻo mịn có màu nâu đen, sáng bóng.
Sau đó, đem gói trong lớp lá chuối khô, ở giữa là nhân tổng hợp với chủ yếu là bột đậu xanh, thêm chút cùi dừa, thịt nạc và hành nướng. Ngoài ra còn cho thêm vài giọt dầu chuối để bánh có mùi vị hấp dẫn. Bánh sau khi gói xong đem hấp trong khoảng một giờ là có thể thưởng thức được.
Bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai Tứ Trụ. Mùa hè, bánh có thể để được một tuần, mùa đông thì để độ mươi ngày. Nếu làm thủ công, mỗi hộ mỗi ngày chỉ làm được vài trăm bánh. Còn với sự hỗ trợ từ máy móc như hiện nay thì mỗi ngày một hộ như gia đình ở làng Mía cũng có thể làm tới 2.000 - 2.500 chiếc.
Bánh đã ngon nhưng thưởng thức bánh cũng phải đúng cách. Khi bóc bánh, đến lớp lá trong cùng phải bóc theo kiểu tước nhỏ giống bóc bánh nếp. Vì bánh dẻo và dính nên không thể bóc giống bóc bánh lá hay bánh giò. Thưởng thức từng miếng bánh thơm ngon, bùi ngọt của gai, của mật, thấy hương thơm ngây ngất, quyến rũ, lại nhâm nhi cùng tách trà mạn phảng phất hương sen thì có lẽ không gì bằng.
Xưa kia, bánh gai Tứ Trụ là thứ bánh chủ yếu dùng để tiến vua và có mặt trên mâm cỗ trong các ngày lễ tết. Giờ đây, nghề làm bánh gai vẫn được những người con làng Mía xứ Thanh duy trì và phát triển để hương vị của nó mãi khắc sâu vào tâm khảm người xa quê, và còn được nhiều vùng miền trong nước biết đến.
Theo naungon