Trước chuyến đi Quảng Ninh, đã được bạn dặn trước tới Tiên Yên phải ghé qua ăn bánh gật gù. Vậy là đủ mọi thông tin từ Internet về món bánh này được lôi ra.
Trong hình dung ban đầu, món bánh gật gù gợi liên tưởng tới món bánh cuốn, được tráng nóng hôi hổi và có thể ăn ngay khi rời nồi tráng bánh. Thế nhưng khi tới Tiên Yên, tìm hàng bánh gật gù, nhà làm bánh gật gù và thưởng thức món bánh gật gù, tôi và các bạn đồng hành mới phát hiện những gì mình biết vẫn còn quá ít.
|
Đĩa bánh gật gù trắng tinh trông thật ngon mắt |
Để tìm tới nhà làm bánh gật gù, vào thị trấn Tiên Yên, bạn có thể hỏi người dân hoặc tự mình tìm đến phố Hòa Bình. Không có biển hiệu to lớn phô trương như các hàng bánh trái ở Hà Nội, Sài Gòn, các gia đình làm bánh gật gù ở thị trấn không hề treo bất kỳ một tấm biển quảng cáo nào. Như nhà bà Tuyết ở số 32 hay nhà số 73, một ngôi nhà cũ với kiến trúc kiểu Trung Quốc,
Trước những năm chiến tranh biên giới, số lượng người Hoa sinh sống ở Tiên Yên khá đông. Trước cửa nhà làm bánh thường chất đầy củi và gỗ. Chỉ những người dân trong vùng, những người đặt bánh thường xuyên cho quán của mình... mới biết bên trong là nơi làm ra những chiếc bánh trắng ngần, mềm mại có thể vừa ăn vừa gật gù ấy.
Vào tận nơi làm bánh, thỉnh thoảng có thể bắt gặp vài bác lái xe đảo qua hoặc vài cậu bé đi xe đạp tới. Họ tạt qua và để lại lời nhắn với bà chủ: “Bà để cho con 2 cân nhé. Lát con qua lấy”... Chị Thủy, một người làm bánh, cho biết bánh làm ra chủ yếu cho các cửa hàng, những quán ăn, những nơi đã đặt hàng. Còn lại nếu dư bột mới làm thêm cho khách đặt mua bất chợt.
Lý do cũng giản dị, bởi bột đã được xay và ngâm với số lượng xác định từ ngày hôm trước. Vậy nên kinh nghiệm của cánh lái xe là phải lưu số điện thoại lại để buổi chiều qua lấy bánh thì buổi sáng hoặc buổi trưa phải gọi đặt trước.
|
Tráng bánh |
Cách làm bánh gật gù về hình thức giống như cách làm bánh cuốn. Cũng là bột được xay từ gạo ngon, ngâm từ trước. Bí quyết với bánh gật gù là khi xay gạo, chủ nhà sẽ cho thêm một ít cơm nguội để bánh ngon hơn. Ngoài ra, xay bột nước và xay bằng cối đá bánh vẫn ngon hơn xay máy.
Nếu chiếc bánh cuốn khi hấp bột được tráng mỏng tang, tưởng có thể nhìn xuyên thấu thì bánh gật gù được cuốn dày dặn hơn nhiều. Vỏ bánh khi chưa cuộn có thể liên tưởng tới món phở cuốn của Hà Nội. Ngoài độ dày của vỏ bánh, khác biệt chính giữa bánh gật gù và bánh cuốn là ở chỗ bánh cuốn thì có nhân còn bánh gật gù thì không.
Bánh gật gù theo truyền thống phải ăn cùng khâu nhục (món thịt kho tàu) với nước chấm pha chế đặc biệt từ nước mắm ngon chưng với hành khô, ớt tươi và mỡ gà hoặc với hến xào; còn mới hơn nữa là ăn cùng canh bún nóng, một sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa bánh cuốn, bún phở và bánh gật gù (?).
Những chiếc bánh làm ra như đã theo khuôn theo thước. Không cần mất công cân đo nhiều, bà chủ chỉ cần đếm số bánh là đã ước tính được khối lượng bán cho khách. Và từ đây, những chiếc bánh gật gù tỏa đi khắp Tiên Yên, nằm trắng ngọc trắng ngà trên đĩa bánh của những hàng bánh gật gù. Hoặc xa hơn nữa, tới tận bàn ăn của nhiều gia đình ở các vùng miền khác.
Bánh gật gù nổi tiếng nhất nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng Quảng Ninh cũng đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này.
Thêm một lần tới Quảng Ninh, thêm một lần hiểu biết về phong tục và tập quán của một vùng đất nước được mở rộng.
Nguồn : Báo Quảng Ninh