Khắp từ Bắc chí Nam, thứ bánh màu đen lấm chấm những hạt vừng thơm phức cùng với nhân thập cẩm đã trở thành món quà quê dân dã ngon lành. Thú vị hơn, nó trở thành đặc sản của rất nhiều vùng miền.
Bánh “hai trong một”
Bác Bùi Thanh Tùng sống tại Quy Nhơn kể: “cội nguồn của bánh gai cũng xuất phát từ cuộc thi làm các món ăn để cúng đất trời của Vua Hùng thứ 6. Cô con gái út của vua vốn tiếng ngoan ngoãn, giỏi giang, khéo léo, nhất là việc bếp núc. Sau khi anh trai Lang Liêu chiến thắng với hai thứ bánh chưng và bánh dày, cô út mới nghĩ tại sao mình không kết hợp vỏ bánh dày và nhân bánh chưng để tạo ra một thứ bánh mới hòa quyện được hương vị của cả đất và trời. Nàng liền lấy chiếc bánh dày bọc lấy nhân của chiếc bánh chưng. Thứ bánh mới này quả đã đạt được yêu cầu tuy hai mà một của nàng Út. Dân gian gọi đó là bánh Út ít. Theo thời gian, cả vỏ và nhân của chiếc bánh đều biến đổi ít nhiều. Tên bánh cũng được gọi tắt thành bánh ít. Vỏ bánh ít được làm giống như bánh dày nhưng thêm lá gai và mật (hoặc đường phên nấu chín) thành bánh ít lá gai. Bánh ít thường được làm trong các dịp lễ, hội và cưới xin. Con trai Bình Định thường trêu các cô gái thách cưới bằng bánh ít:
“Bánh thật nhiều sao kêu bánh ít
Trầu có đầy sao gọi trầu không”.
Mỗi nơi một hương vị riêng
Ở Hải Dương, bánh gai Ninh Giang nức tiếng vì nhân bánh rất cầu kỳ gồm 7 loại nguyên liệu: đậu xanh, lạc, dừa, mứt bí, vừng, mỡ lợn, hạt sen. Người Nam Định lại rất hãnh diện với bánh gai Bà Thi. Bánh gai Tứ Trụ cũng là một đặc sản rất riêng của người dân làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Người làng Mía tự hào bởi vì nó là thứ bánh tiến vua và được làm chủ yếu vào các dịp giỗ, tết, đặc biệt là trong ngày giỗ của Lê Lợi và Lê Lai.
(TNO)