Bà con người Giáy ở Mường Vi hay Bản Vược, Bản Vền đến Bản Vai, Quang Kim sang Cốc San (Bát Xát) đều thường làm bánh khảo, nhưng nhiều nhất, khéo léo và thơm ngon nhất vẫn là bánh khảo Mường Hum.
Con gái Giáy Mường Hum nổi tiếng là đẹp, duyên và rất khéo tay. Họ giỏi việc ruộng, việc nương, biết buôn bán, khéo làm nhiều món ăn ngon, khéo làm nhiều thứ bánh, trong đó có món bánh khảo nổi tiếng. Làm bánh khảo cúng cầu sự tốt lành; cúng khi người phụ nữ có mang, cầu mong thần linh cho người mẹ và đứa con được khoẻ mạnh. Làm bánh khảo ăn các tết trong năm, nhất là tết Thanh minh mùng 3 tháng 3, tết Xíp sí tháng 7, hay lễ hội xuống đồng và đặc biệt là đón tết Nguyên đán, bà con gọi là Xiêng ít, Xiêng láo (Tết một, Tết lớn). Và bánh khảo làm để bày bán trong các phiên chợ Mường Hum.
Bánh khảo Mường Hum hoàn toàn làm thủ công, là cả một kỳ công của đôi bàn tay phụ nữ. Gạo nếp ngon rang trên bếp nhỏ lửa đến giòn thơm rồi xay bằng cối đá quay tay. Bột nếp sít mặt cối, phải xay từng chút, từng chút, đôi tay quay phải dẻo dai và nhịp nhàng. Nia bột mịn xốp, dày chừng nửa đốt ngón tay, đậy kín lại để qua đêm. Trộn đều bột khô với lớp bột bám vào mặt giấy. Đường với bột nếp rang pha trộn với nhau theo bàn tay mềm mại và uyển chuyển. Có dầu chuối vẩy vào vài giọt để hương dầu quyện với hương nếp thì càng thêm hấp dẫn. Bộ khuôn bánh đã chuẩn bị sẵn sàng. Những khuôn hình bông hoa, hình vuông, hình tròn, có khuôn còn chạm chữ phúc, chữ hỉ dưới đáy khuôn để chiếc bánh thêm phần sang trọng. Đôi bàn tay lại khéo léo dồn bột, ép khuôn.
Từng chiếc bánh hình hoa, hình vuông, hình tròn, đều chằn chặn xếp hàng trên mặt bàn. Bánh được phong bao bằng giấy hồng điều, xếp từng chồng, từng chồng. Bánh bày lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên. Bánh bày ra bàn trước hiên nhà hay chuyền xuống sạp hàng trong phiên chợ. Bánh gói lại cho vào túi vải thêu hoa làm quà đi thăm bà con anh em bản dưới, mường trên, để biếu người thân từ thị trấn lâu ngày về chơi hay đem ra Cốc Lếu, Kim Tân cho con cháu ngoài ấy xa quê được nếm hương vị quê nhà. Con cháu đi học ở Hà nội, Thái Nguyên hay đi công tác xa về thăm nhà thế nào cũng dặn mẹ và chị gái làm bánh khảo để đem đi làm quà cho chúng bạn. Khách du lịch bốn phương mua vài phong nếm thử hương vị bánh khảo Mường Hum. Bà con các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì từ Ý Tý, A Lù, Dền Sáng, A Mú Sung, Nậm Pung, Trung Lèng Hồ xuống, khách từ Phong Thổ sang, bà con vùng thấp ngược lên với chợ Mường Hum, thường mua dăm phong bánh khảo làm quà. Phong bánh khảo bọc giấy hồng từ bàn tay người phụ nữ Giáy khéo léo mang hương vị Mường Hum theo về các ngả.
Nguồn : Báo Lào Cai