Chiều nay mẹ gọi điện ra nhắc trời đã lạnh, nhớ mặc ấm và kể cả nhà đang quây quần bên chảo bánh khoái tép. Ôi nhớ quá món bánh khoái với hình ảnh bếp lửa bập bùng, tiếng mỡ xèo xèo, mùi tép thơm mặn mà gắn bó tuổi thơ nơi vùng quê nghèo đầy nắng gió.
|
Bánh khoái tép |
Trời se se lạnh, ngồi đợi chờ từng mẻ bánh xèo xèo trong chảo rồi thưởng thức vị giòn, béo ngậy nhưng không ngấy của miếng bánh khoái tép chấm nước mắm chanh ớt thì còn gì bằng.
Bánh khoái có vẻ giống bánh xèo Nam bộ về cách chế biến nhưng nguyên liệu thì khác, mang một vẻ đặc trưng của xứ Thanh.
Gạo tẻ sau khi ngâm vừa đủ thì xay nước, bột gạo nước trắng mịn là nguyên liệu chính của bánh khoái Thanh Hóa. Rau cần (cần ta hay còn gọi là cần nước) cắt khúc chừng 5cm, bắp cải thái sợi dài, rửa sạch để ráo nước. Và không thể thiếu tép, những con tép tươi, mình chắc được các bà nội trợ chọn lựa từ phiên chợ sáng sớm. Tép sau khi rửa sạch sẽ được xào qua, nêm gia vị vừa ăn.
Chảo gang sâu lòng và bếp củi, tráng bánh khoái phải dùng hai thứ này mới thật sự đúng kiểu, giòn nhưng không cháy, không bén chảo.
Ngồi đợi đến “lượt” bánh của mình, bạn có thể thấy cô bán hàng tay nhanh thoăn thoắt cho mỡ vào chảo, xúc một muôi bột nước tráng đều mặt chảo, tay bốc rau cần và bắp cải cho vào, rồi rắc tép lên. Đậy nắp chảo này lại, tay cô lại thoăn thoắt mở chảo khác, xem viền bánh đã cháy cạnh, lật bánh, xúc bánh ra đĩa. Cứ thế với 3-5 bếp liên tục đỏ lửa, món “tráng xong ăn ngay” của xứ Thanh này có khẩu vị riêng biệt.
Gắp một miếng bánh vừa xoay đũa “xoáy” từ đĩa bánh (chỉ có một cái kín mặt đĩa) nóng hổi, chấm vào nước mắm chanh ớt, thưởng thức vị béo ngậy của tép, vị ngọt của rau xen lẫn vị cay của ớt sẽ cảm nhận một nét rất riêng của ẩm thực xứ Thanh, vùng đất “giao thoa” hai miền Bắc - Trung.
|
Bánh khoái trứng |
“Biến tấu” một chút, có thể đập thêm quả trứng gà vào chảo bánh, bánh khoái trứng có vị ngậy và màu vàng rộm ngon mắt.
Nguyên liệu đơn giản, cách làm không khó, món ăn bình dị, thân quen của quê Thanh là sự hòa quyện vị biển mặn mà và hương rau đồng quê trung du. Ta thấy trong đó dáng mẹ tảo tần với từng hạt lúa, dáng bà lom khom ruộng rau cần xanh mướt, tay chị miệt mài từng mớ tép. Món ăn không đơn giản chỉ là ẩm thực, đó còn là hương quê, tình người…
Cuối tuần con lại về với mẹ, để cảm nhận hương quê, tình người đã theo con vào giấc mơ…
Nguồn : Tuổi trẻ