Bánh mì baguette quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta liệu sắp trở thành một di sản của nhân loại sao? Liên đoàn các nhà làm bánh Pháp mới đây đã nộp đơn đăng ký để bánh mì baguette được thêm vào bảng xếp hạng là di sản phi vật thể của tổ chức UNESCO.
Bánh mì baguette của Pháp là một món ăn quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân nước này, được làm từ bột mì, nước, men, muối và một chút savoir-faire (tức là “sự khéo léo”) của người thợ bánh. Nó thường dài hơn các loại bánh khác tại Pháp, có vỏ giòn và phần ruột bánh mềm và thơm nức. Ở Pháp, người ta thường kẹp các loại phô mai, pate hoặc mứt để ăn kèm cùng bánh mì baguette. Đây là bữa sáng thường thấy của người Pháp, bên cạnh bánh sừng bò.
Liên đoàn các nhà làm bánh Pháp đã đề nghị UNESCO công nhận bánh mì baguette là di sản phi vật thể sau khi nhận ra các tiệm bánh địa phương sản xuất thủ công baguette đang bị mai một dần bởi các loại bánh mì sản xuất bằng máy và bảo quản đông lạnh bày bán trong các siêu thị. Việc đến mua tại các tiệm bánh mì thủ công là một nét đẹp lâu đời trong ẩm thực của người khác, việc người tiêu dùng mua các loại bánh mì có chất bảo quản sẽ “giết chết” hương vị của các loại bánh truyền thống.
Mickael Reydellet, chủ sở hữu của tám tiệm bánh cho biết: “Không có một bí quyết duy nhất nào để làm ra một chiếc bánh mì truyền thống ngon. Nó đòi hỏi thời gian, kỹ thuật, cách nướng đúng, bột mì tốt mà không sử dụng đến chất phụ gia và bảo quản”.
Việc công nhận di sản phi vật thể của UNESCO – có nghĩa là công nhận các truyền thống truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn, thói quen truyền thống, nghi lễ và phương pháp thủ công thống. Trước khi bánh mì baguette được đề xuất, phương pháp làm bánh mì dẹt cổ đại ở Iran và Kazakhstan cũng từng được công nhận là di sản phi vật thể của UNESCO. Nghề thủ công sản xuất 1.500 loại bia trở lên ở Bỉ đã được công nhận, cũng như nghệ thuật xoay bánh pizza của người Naples.
Một nghị định năm 1993 của chính phủ Pháp quy định rằng bánh mì baguette “truyền thống” phải được làm từ không gì khác ngoài bốn thành phần cổ điển. Quá trình lên men của bột nên kéo dài từ 15 đến 20 giờ trong nhiệt độ từ 4 đến 6 độ C.
Món bánh mì trứ danh tại Việt Nam chính là một phiên bản ngắn hơn của bánh mì baguette, được người Pháp du nhập về Sài Gòn từ những năm còn chiến tranh. Trải qua nhiều biến tấu, món bánh mì Việt Nam đã trở thành một món ăn “quốc hồn quốc túy” bên cạnh Phở. Ở Việt Nam, bánh mì baguette nguyên bản dù cũng được ưa chuộng không kém gì ở mẫu quốc của nó.
Dù chẳng cầu kỳ, phức tạp hay đắt đỏ kén người thưởng thức, bánh mì baguette sẽ mãi mãi là lựa chọn món ăn tuyệt vời và không bao giờ lỗi thời. Sáng, trưa, chiều cho đến tối khuya, những chiếc bánh sẽ luôn đem tới hương vị ẩm thực tuyệt vời nhất, xoa dịu chiếc bụng đang đói cồn cào của biết bao người trên khắp thế giới.
Ảnh: Internet
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp