Bánh nếp nhân trứng kiến là đặc sản độc đáo của dân tộc Tày. Khi mới nghe qua, hẳn sẽ có nhiều người không dám thử món ăn lạ lùng này, nhưng một khi đã nếm qua rồi thì sẽ say mê mãi không thôi.
Giới thiệu bánh nếp nhân trứng kiến
Bánh nếp nhân trứng kiến (hay còn gọi Péng Lăng Lay) là món ăn ngày xuân của người Tày, phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng hay Bắc Kạn. Để được nếm món ăn ấn tượng này, du khách nên ghé thăm Tuyên Quang, Bắc Kạn vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Bởi đây là thời gian sinh sản của kiến đen và người dân sẽ thu hoạch được nhiều trứng kiến ngon về làm bánh.
Loại bánh này rất quen thuộc với người Tày và phổ biến ở phạm vi nhỏ do thuộc hàng hiếm, chỉ có theo mùa. Không đem lại những cảm giác hãi hùng như những món ăn làm từ côn trùng khác nhưng bánh nếp trứng kiến cũng khiến nhiều người phải đắn đo trước khi nếm thử. Ngược lại, đối với đồng bào dân tộc Tày, bánh nếp thường được sử dụng trong bữa cơm chiều. Đây là một món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng bởi hương vị vô cùng đặc biệt, độ dẻo thơm của nếp, mùi lá vả đặc trưng hòa quyện với vị trứng kiến béo ngậy tạo nên một vị ngon khó tả.
Nếu có cơ hội ghé thăm Tuyên Quang hay Bắc Kạn vào tháng 3 hay tháng 4 thì đừng chần chừ gì nữa, món ăn độc lạ này hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đấy.
Cách làm bánh nếp nhân trứng kiến
Giống như tên gọi của nó, nguyên liệu chính để làm ra bánh nếp nhân trứng kiến thơm ngon, béo ngậy là trứng của loài kiến đen rừng. Người Tày chọn loại kiến này bởi đây là loài kiến lành nhất, có thân nhỏ, đuôi nhọn và chỉ có loại kiến này mới có thể làm nên những món ăn ngon miệng.
Loại kiến này thường làm tổ và đẻ trứng trên những cành cây không quá cao. Để thu hoạch trứng kiến, người dân dùng một cái rổ có cán dài, buộc cỏ tranh để kiến không bò vào người. Sau khi thu hoạch, phải sàng sảy thật khéo để loại bỏ lá cây và tạp chất trong ổ kiến.
Đồng bào dân tộc Tày làm bánh trứng kiến
Trứng kiến đen (người Tày gọi là “Tua rày”) thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn được người Tày xào cùng hành phi thơm nức mũi cùng với rau thì là thái nhỏ. Muốn nhân ngon hơn, người ta còn thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang giã nhỏ, cuối cùng nêm chút muối để miếng bánh thêm phần đậm vị, hấp dẫn. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của người làm sao cho chỉnh độ lửa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát hay chảy sữa.
Phần bánh được làm từ gạo nếp nương. Phải dùng cối đá xay gạo nếp cho thật nhuyễn và cô lại thành bột dẻo. Bột sau khi được nhào nặn thật dẻo và mịn sẽ được vo thành từng viên nhỏ tròn. Sau đó người Tày khéo léo cho phần nhân vào trong, dùng lá vả để gói bánh lại sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Cuối cùng, hấp cách thủy chừng 40-45 phút là chín.
Tuy trứng kiến không độc nhưng lại có phản ứng phụ với tùy từng người, từng cơ địa. Vì vậy, nếu mới lần đầu được thưởng thức, du khách nên thử trước một miếng nhỏ xem mình có dị ứng với trứng kiến không.
Còn gì tuyệt hơn thưởng thức miếng bánh nếp nhân trứng kiến nóng hổi trứ danh của người Tày giữa khung cảnh thiên nhiên bát ngát màu xanh núi rừng. Bất cứ ai khi nếm thử bánh nếp nhân trứng kiến cũng sẽ bị xiêu lòng bởi vị ngọt bùi, béo ngậy lại có phần độc đáo, lạ lùng của món ăn có một không hai này.
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp