TTO - Bánh tét chiên ngoài giòn - trong dẻo hợp với dưa món mặn mà, đong đưa qua răng. Miếng ăn dẻo thơm, đậm đà, mang cả tình thương yêu của những người dân quê chân chất.
Bánh tét chiên ăn cùng dưa món
Thời dịch giã, cả nước hướng về Sài Gòn. Nơi ấy cưu mang bao người con Quảng Ngãi quê tôi tha hương mưu sinh. Người quê chung tay chế biến món ăn gửi vào phương Nam sẻ chia phần nào khốn khó.
Những món có thể để được lâu ngày, ăn dần trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh. Và, bánh tét cùng dưa món được "ưu ái" theo những chuyến xe thấm đẫm nghĩa tình vào thành phố thân yêu.
Nhìn các mẹ, các chị gói bánh, làm dưa, lòng chợt nao nao nhớ tết. Nhớ những ngày làng quê ấm áp tiếng cười khi nhiều người trở về sau cả năm mưu sinh phương xa. Nhớ mùi tết còn lan đến giữa tháng giêng với hương vị bánh tét chiên ăn cùng dưa món.
Gói bánh tét chuẩn bị đón tết
Nỗi nhớ tựa vết cứa vào lòng khi nhiều người đang thấp thỏm giữa Sài thành. Miếng bánh, lọ dưa từ quê nhà làm vơi nỗi âu lo? Nhiều người sẽ tét bánh (cắt thành lát) rồi chiên để ăn cùng dưa món, ngậm ngùi nhớ xuân xa nơi quê nhà.
Sau tết, bếp nhà tỏa hương thơm khiến hàng xóm vọng sang: "Bánh tét chiên hả?". Hỏi vậy để mà... thèm, rồi cũng tét bánh và chiên giòn.
Bao đời, người dân quê luôn gắng "lo tết đủ đầy" với những món ngon mời khách và con cháu thưởng thức trong bữa cơm đoàn viên. Những ngày tết trôi qua, mỗi nhà còn dăm bảy cây bánh tét, hũ dưa món vơi chưa đến phân nửa như gọi mời.
Vớt bánh nấu chín ra khỏi nồi
Thế là họ "biến tấu" bánh tét thành món ăn ngon với hương vị khó phai, như muốn níu giữ tết lưu lại nơi làng quê.
Bánh tét quê tôi làm từ gạo nếp ngự Sa Huỳnh nên dẻo thơm khiến nhiều người xuýt xoa khen ngợi khi thưởng thức. Nhân bánh chế biến từ đậu xanh xay giập, loại bỏ vỏ rồi nấu chín nên ngọt bùi.
Lột bỏ lớp lá bên ngoài rồi dùng sợi cước hay sợi lạt tre bé xíu cắt bánh thành những lát mỏng. Đun sôi dầu phộng trên bếp rồi cho bánh vào đun nhỏ lửa.
Chờ cho bánh vàng giòn lớp ngoài rồi trở sang mặt bên, hương thơm lan tỏa cùng những tiếng nổ tí tách như gọi mời. Khi bánh vàng đều, tắt lửa rồi dùng đũa gắp ra đĩa.
Phụ nữ chung tay làm dưa món
Dùng muỗng múc dưa món ra chén rồi đặt cạnh bánh tét chiên vàng trông thật bắt mắt. Hương thơm nồng nàn từ những miếng bánh chiên cùng chén dưa món kích thích vị giác.
Những hạt nếp bên ngoài được nấu chín mềm dẻo rồi chiên qua dầu phộng giòn rụm trong miệng. Lát bánh chiên ngoài giòn - trong dẻo như sự phối hợp uyển chuyển giữa cương và nhu nên chớ vội vàng khi thưởng thức.
Dưa món với đu đủ, cà rốt, củ kiệu... ngâm trong nước mắm cùng gia vị đong đưa qua răng. Nếp và đậu xanh ngọt lành hòa cùng dưa món mặn mà đong đầy vị quê. Sớm mai, cả nhà quây quần bên đĩa bánh tét chiên cùng chén dưa món trước khi cha mẹ ra đồng, con trẻ tung tăng đến lớp.
Khách đến thăm nhà cùng gia chủ hàn huyên với món ăn quen thuộc bao đời. Ly rượu quê ngày xuân vơi bớt nồng cay, tỏa hương thơm dịu, thắm đượm nghĩa tình. Hương vị tết lửng lơ trong ngày xuân tươi thắm.
Sau tết, nhiều người mẹ quê nấu thêm bánh tét, dầm hũ dưa món gói ghém cho con mang đến miền xa "chiên ăn cho đỡ nhớ nhà". Nhưng đâu được như lời mẹ nhắn nhủ buổi phân ly. Chốn xa, nỗi nhớ cồn cào trong cõi lòng khi lần gỡ những lớp lá gói bánh rồi cắt mỏng và cho vào chảo chiên giòn.
Nước mắt rưng rưng khi mở nắp hũ dưa món phảng phất mùi vị quê hương. Nỗi nhớ ấy là sợi dây níu chân những người con tha hương trở về xứ sở. Giờ, họ chẳng thể trở về vì dịch giã vây quanh.
Dưa món gửi tặng người dân vùng dịch
Dưa món cùng bánh tét phảng phất hương vị ngày xuân, mong sưởi ấm lòng những người con xứ Quảng và cả mọi miền dừng chân ở Sài Gòn trên bước đường mưu sinh.
Theo: Tuoitre.vn
Sưu tầm: Ngô Diệp