Những chiếc bánh khọt được chiên vàng bắt mắt, kết hợp một chút béo của nước cốt dừa, bùi của nhân đậu xanh, kèm theo hương vị thơm của hành lá, hòa với nước mắm chua, ngọt, cay cay… Món bánh khọt của người miền Tây dễ làm mà cũng dễ ăn.
Đĩa bánh khọt có màu sắc đẹp mắt.
Một số người cho rằng cái tên bánh khọt xuất phát từ âm thanh “khọt khọt” vang lên khi chảo bánh bắt đầu sôi mỡ, nhưng cũng có người lại bảo, ngày xưa những người dân nghèo khó không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị nên mới chế biến ra loại bánh chỉ toàn bột như thế này.
Ngày nay, người dân Sài Gòn không còn xa lạ với món bánh khọt cô Ba Vũng Tàu trên một vài con đường thân quen như Nguyễn Tri Phương, Cao Thắng… với đầy đủ các màu sắc từ hải sản. Riêng bánh khọt miền Tây đơn giản với màu trắng đục của bột, sắc đỏ của nhân tôm, màu xanh của lá hành, đan xen tạo nên một chiếc bánh rất bắt mắt và ngon miệng.
Một chị chủ quán bánh khọt tại chợ Hoàng Hoa Thám cho biết, khuôn phải bằng đất nung, bánh mới ngon, gạo để chế biến phải là loại gạo ngon, bột bánh gồm gạo xay bột ướt, gạo nấu thành cơm và làm bún để nguội rồi xay đặc. Bột sau khi xay, nêm các loại gia vị như muối, đường, bột ngọt cho vừa ăn. Đánh trứng gà trộn đều vào bột cho bánh có độ xốp. Nước cốt dừa quấy đều cho bột có độ béo. Thêm một ít bột nghệ để bánh có màu vàng đẹp. Hành lá băm nhỏ và tiêu xay nhuyễn quậy đều cho bột bánh thơm ngon.
Nhân bánh thường là nhân tôm, loại tôm tươi, to vừa phải, bóc vỏ. Mỡ chiên dùng loại mỡ lợn đã phi hành cùng lá hẹ. Đến công đoạn đổ bánh, bắc khuôn lên bếp cho nóng, lấy mỡ đã chế tráng khuôn, đổ bánh vào trong khuôn rồi cho nhân vào giữa, đậy vung chờ bánh chín.
Ngoài loại nhân mặn, còn có dạng bánh khọt nước cốt dừa thơm ngon và béo ngậy, mang đến sự phong phú đa dạng cho người thưởng thức.
Tuy nhiên, với hình dáng dạng tròn, làm từ bột gạo được đúc trong khuôn đúc đặc biệt, không ít người nhầm bánh khọt và bánh căn Phan Thiết, Phan Rang này giống nhau. Tuy nhiên, bánh căn thường tính theo cặp chứ ít khi tính theo chiếc đơn lẻ, ở giữa mỗi chiếc có thể quết thêm mỡ hành. Nhân bánh căn cũng rất phong phú nào bánh căn trứng, bánh căn mực bánh căn tôm, bánh căn thịt xay.
Bánh khọt miền Tây tại Sài Gòn tuy chưa phổ biến tại các quán lớn, nhưng cũng xuất hiện một trong một vài nơi gần chợ Hoàng Hoa Thám, trên đường Lạc Long Quân, Nguyễn Thị Minh Khai… Bạn có thể thử ăn ở hàng bánh Kim Ngân, 31 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM.
Một phần bánh khọt khoảng 8 cái với giá 20.000 - 25.000 đồng gồm đĩa bánh nóng, thơm vàng ươm màu bột nghệ, tô điểm thêm tôm ở trên mặt, bánh tráng cùng một đĩa rau đủ loại như cải bẹ xanh, lá cóc chua, lá lốt, rau thơm… Với một bát nước mắm pha vừa ăn có thêm đồ chua và ớt… là bạn đã có thể thưởng thức món bánh ngon tuyệt vời.
Bột bánh phải làm từ loại gạo ngon.
Nguyên liệu làm nhân.
Để bánh ráo mỡ.
Nước chấm có vị chua, cay.
Bánh ăn kèm cải bẹ xanh, lá cóc chua, lá lốt, rau thơm.
Bánh cũng có thể ăn dạng cuốn với bánh tráng và rau.
ngoisao.net