Không phải ăn cốm mà là uống cốm? Cuối tuần này cùng tụ tập bạn bè làm một chút bia cốm không?
Đợi mùa thu Hà Nội để ăn cốm tươi lâu quá thì những thành phẩm từ cốm được bày bán rất nhiều để phục vụ người mua quanh năm. Từ bánh cốm, xôi cốm, chả cốm… đã quá quen thuộc thì ngày nay những nghệ nhân làm bia thủ công đã làm ra bia cốm để thỏa mãn niềm yêu thích của mình với cốm.
Bia cốm ra đời là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm. Thành phẩm cuối cùng là bia với vị đắng nhẹ, ngọt bùi và thanh mát của cốm. Màu đặc trưng của cốm vẫn giữ nguyên khi chuyển sang bia. Nếu lo sợ tên gọi bia làm bạn dễ say thì đừng lo. Vì nồng độ cồn chỉ từ 4,5 – 5 độ, một mức độ nhẹ phù hợp cho cả nam và nữ uống.
Theo các nghệ nhân bia được làm theo phương pháp làm thủ công với quá trình lên men và thanh trùng tự nhiên nên thời gian bảo quản ngắn. Nhưng đổi lại bia sẽ giữ được sự tươi ngon và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người uống
Nói về sự tỉ mỉ cầu kỳ của việc làm nên “thức uống” này thì chỉ cần biết rằng người làm thợ đã phải cất công dùng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, từ những hạt cốm dẻo thơm đến nguyên liệu cơ bản để làm bia là lúa mạch cũng được xử lý kỹ càng qua các công đoạn nấu chín, nghiền nát.
Hoa bia và men bia cũng được chuẩn bị phù hợp để cho ra thành phẩm theo đúng vị mong muốn. Và cuối cùng để phù hợp với khẩu vị của người Việt, nghệ nhân làm bia đã cho thêm gạo tám và lá nếp – thực phẩm đặc trưng của người Việt vào góp phần tăng hương vị và màu sắc.
Với cốm là một món quà truyền thống quen thuộc của người Hà Nội cũng như người dân ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ thì bia lại là hiện hình của một sản phẩm du nhập vào Việt Nam. Việc sáng tạo ra bia cốm là sự kết hợp mang tính tiếp nối truyền thống và hiện đại, kết nối cảm xúc và văn hóa. Hoặc đơn giản chính là món quà mà mùa thu Hà Nội gửi tặng mọi thực khách.
Ảnh: Internet
Theo Wanderlusttip
Sưu tầm: Ngô Diệp