TP HCMMở 40 năm ở chợ Bến Thành, quán bún riêu gánh còn có biệt danh là bún riêu “sang chảnh” vì hút khách nước ngoài, Việt kiều.
Du khách đến chợ Bến Thành, qua phía cửa Đông ở góc đường Lê Lợi giao với Phan Bội Châu hỏi gánh bún riêu "sang chảnh" ở đâu thì ai cũng biết. Bởi cách đây hơn 40 năm, gánh bún của bà Mai Thị Liên (60 tuổi) đã có mặt và hòa vào nhịp sống của khu chợ trung tâm TP HCM. Điểm đặc biệt ở quán là bún không có ốc, không gạch cua, không giò như phiên bản thông thường, nhưng vẫn gọi là bún riêu cua.
Tô bún của bà Liên thoạt nhìn đơn giản gồm phần bún sợi nhỏ, vỏn vẹn miếng huyết, viên chả cua thịt, đậu hũ cắt góc và cà chua, thêm hành trụng bên trên. Từng thành phần của tô bún đều có kích cỡ lớn, phải cắn vài miếng mới hết chả cua thịt chắc nịch và phần huyết vịt dai mềm, đậu hủ nóng chấm cùng nước me sệt pha mắm ớt. Nước dùng trong, đậm đà, có sắc vàng tươi tự nhiên không phải màu đỏ của cà chua thường thấy trong bún riêu. Phần rau ăn kèm gồm rau muống, bắp chuối bào sợi, giá, ngò gai và húng cây.
Một tô 55.000 đồng ở quán bún riêu gánh chợ Bến Thành. Ảnh: Huỳnh Nhi
Bà Liên giải thích, do học cách nấu từ mẹ nên bà vẫn giữ nguyên các thành phần, nguyên liệu và giữ hương vị bún xưa suốt hơn 40 năm qua. "Món bún ở quán mộc mạc và vừa miệng, khách không cần thêm gia vị nhiều. Quán không dùng chanh, tắc như nơi khác mà thay bằng nước cốt me và có dĩa gia vị riêng như mắm, ớt, cốt me cho khách", bà nói.
Giải thích tên gọi bún riêu gánh "sang chảnh", bà Liên cho biết quán được gọi như vậy vì trước khi Covid-19 xuất hiện, khách đến quán bà phần đông là người nước ngoài, Việt kiều và nghệ sĩ. Với giá 55.000 đồng một tô, quán vẫn có khách quen người Việt ghé ủng hộ.
"Dù tô bún không có giò, chả lụa như những chỗ khác bán giá 40.000 đồng, nhưng đồ ăn bên quán chất lượng đảm bảo. Giá cả nguyên liệu tôi có mua mắc hơn cũng vẫn không tiếc", chủ quán nói.
Ngoài ra, do quán nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên tiền thuê mặt bằng khá cao. "Ngày trước gánh bún tôi bán bên chợ, khách đến ăn phải ngồi nhờ mấy quán nước bên cạnh. Cách đây chừng 7 năm tôi thuê chỗ bán có bàn ghế, máy lạnh như bây giờ. Tiền thuê chỗ bán quá đắt đỏ, mình không trả bằng tiền Việt mà tính bằng đô la", bà Liên chia sẻ.
Chả cua thịt được viên thành cục to theo công thức gia truyền. Nhiều người đến hỏi bà cách nấu bún nhưng nghề do mẹ để lại nên bà không chia sẻ. Ảnh: Huỳnh Nhi
Anh Nguyễn Nhật Huy (Quận 4) lần đầu tìm đến quán do được bạn bè giới thiệu. Thực khách này ấn tượng với phần nước dùng thanh ngọt, trong và quán nhìn sạch sẽ. "Quán bún này cũng lâu năm và được nấu theo công thức gia truyền nên mình nghĩ giá 55.000 đồng một tô, kèm chả cây 10.000 đồng nữa cũng hợp lý chứ không quá mắc", anh Huy cho biết.
Quán bún riêu gánh mở bán từ 8h đến khoảng 19h hàng ngày, quán có không gian hẹp, bàn ghế thấp nhưng có máy lạnh nên không quá nóng và sạch sẽ. Một số thực khách đánh giá phần bún trong một tô không nhiều với người có sức ăn. Ngoài đồ ăn trong tô, khách gọi thêm chả cua thịt đậu hũ, chả cua thịt huyết, huyết và đậu hũ sẽ tính giá 55.000 đồng một phần và khăn lạnh giá 3.000 đồng một cái. Khách đi xe máy cần trả thêm 5.000 đồng phí gửi xe gần quán.
Huỳnh Nhi