Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, chúng ta có thể cảm nhận ngay vị đặc trưng từ những món ăn tươi sống đã làm say mê hàng triệu tín đồ ẩm thực trên thế giới. Tuy nhiên, dù có say đắm đến đâu cũng ít người dám đánh cược mạng sống để thưởng thức Fugu: Món cá nóc Nhật Bản chỉ có những đầu bếp điêu luyện nhất được cấp phép chế biến.
“TÔI MUỐN ĂN CÁ NÓC NHẬT BẢN NHƯNG KHÔNG MUỐN CHẾT”
Câu nói phổ biến ấy của người Nhật Bản đã chứng minh mức sức hấp dẫn của món cá nóc bất chấp độ nguy hiểm của nó.
Fugu, hay có cái tên quen thuộc hơn là cá nóc Nhật Bản có hình dáng kỳ quái và được biết đến như một trong những sinh vật có độc tố mạnh nhất hành tinh. Trên cơ thể cá nóc có chứa độc tố Tetrodotoxin – dạng chất đôc thần kinh cực mạnh chỉ cần 1mg cũng đủ để một người trưởng thành phải chết trong đau đớn.
Cá nóc Nhật Bản trở nên cực kỳ nổi tiếng sau sự kiện một nhóm các samurai đã không thể tỉnh lại sau khi ăn món này vào thế kỉ XVI. Ở thời điểm đó, Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm với món ăn kịch độc này và dù có thơm ngon đến nhường nào cũng tuyệt đối không được xuất hiện tại các bữa ăn trong hoàng cung.
Mặc dù vậy, Fugu lại là món chứa đựng hàm lượng dinh dưỡng cao, vậy nên sau khi khám phá được cách xử lý các phần độc trên cá nóc, món ăn này đã trở thành món ăn cao cấp và yêu thích của người Nhật Bản.
CHỈ CÁC ĐẦU BẾP CÓ GIẤY PHÉP MỚI ĐƯỢC XỬ LÝ CÁ NÓC
Ở Nhật Bản, không phải cứ sở hữu một nhà hàng sushi hay sashimi, đầu bếp đều được quyền phục vụ món Fugu. Chỉ khi sở hữu được “giấy phép Fugu”, các đầu bếp mới có thể mua bán, xử lý và chế biến món cá nóc Nhật Bản này.
Cần biết rằng, phần thịt cá nóc Nhật Bản không hề độc, chất độc của cá tập trung chủ yếu ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy cá nóc cái sẽ độc hơn con đực. Song cũng có những trường hợp hy hữu khi cá bị bầm dập mà chất độc từ trứng hay ruột gan thấm ra phần thịt cá. Vì vậy, các đầu bếp được cấp giấy phép Fugu cần trải qua ít nhất 2 năm đào tạo cùng 2 năm kinh nghiệm và thậm chí nhiều hơn trước khi được phép bán món này cho thực khách.
Quá trình xử lý cá nóc Nhật Bản vô cùng phức tạp, đòi hỏi kỹ năng dùng dao điêu luyện để tách được các phần nội tạng và da có độc, làm sao để phần có độc được loại bỏ hoàn toàn mà không sơ ý bị ngấm ra thịt cá. Các đầu bếp cần thành thạo một kỹ thuật cắt mang tên Usu-Zukuri, tức là phải thái được từng lát cá nóc thật mỏng và xếp thành hình dáng một bông Cúc – loài hoa đại diện cho sự trường thọ và những phẩm chất cao quý trong văn hóa của xứ Phù Tang.
Cá nóc Nhật Bản thường được ăn sống, gọi là fugu-shashi, cùng nước tương và súp dashi, phần đầu có thể được đem đi nấu canh. Món fugu-shashi sẽ được ăn cùng hành và gừng, vị cay nồng của gừng và vị ngọt của thịt cá có thể khơi dậy vị giác của bất cứ ai. Bên cạnh cách chế biến như một món shashimi nổi tiếng, người Nhật cũng yêu thích món cháo cá nóc đầy bổ dưỡng.
Cá nóc Nhật Bản không chỉ là một món ăn, nó đã trở thành một phần văn hóa của xứ sở hoa anh đào. Fugu là minh chứng sống cho mức độ điêu luyện đến hoàn mỹ của nền ẩm thực Nhật và cũng là đại diện cho ý chí không chịu khuất phục trước khó khăn của người dân nước này.
Ảnh: Internet
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp