Nếu có dịp đến Cố đô Hoa Lư, thăm đền Vua Đinh, Vua Lê, du khách sẽ thấy ở hiên bái đường (đền Vua Lê) chạm khắc đề tài: “Cá hoá Long” nhưng cá Chép lại được chạm khắc thành cá rô. Đầu cá biến thành đầu rồng, còn thân cá là thân cá rô.
Có lẽ, con cá rô ở Tổng Trường đã trở thành dấu ấn đậm đà trong nghệ thuật chạm khắc cung đình một thời oanh liệt của đất nước và đời sống thơ ca của người Ninh Bình.
Đi thì nhớ cậu cùng cô
Khi về lại nhớ cá rô Tổng trường
Tổng Trường trước là tổng Trường Yên (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), đây là vùng đất có nhiều hang động, có loại cá rô to và béo. Cá rô được chế biến để nấu món canh chua, đây là món ăn đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng.
Rau cải làm dưa chua. Nước dưa pha thêm chút nước cho đỡ chua. Cà chua rửa sạch thái lát, xào chín, đánh tan cho vào nước dưa, thêm ít lát đậu phụ rán. Cá rô làm sạch, rán thật giòn rồi thả vào nước canh chua, nêm thêm gia vị, mắm muối cho vừa là được. Điều khá thú vị là cá rô rán thả vào canh chua hàng tiếng đồng hồ sau mà ăn vẫn bùi, ngậy, giòn tan.
Canh chua nhưng không hẳn là chua. Nó có cái chua chua, ngọt ngọt, chua chua của cải chua, của nước dưa, ngọt mát của cà chua, đậu phụ, ngậy, bùi, giòn và thơm của cá rô, tất cả cùng hoà quyện vào nhau làm thành cái hấp dẫn của món đặc sản này./.
(Theo Báo Ninh Bình)