(Dân trí) - Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn hấp dẫn du khách bởi các món ăn ngon, độc đáo mang đậm phong vị núi rừng. Dưới đây là các món ăn có tên gọi lạ lùng nhưng ngon trứ danh mà bạn nhất định phải nếm thử khi đến đây du lịch.
Lẩu lá rừng
Lẩu là món ăn quen thuộc với hầu hết mọi người, tuy nhiên, lẩu lá rừng thì không phải ai cũng từng được nếm thử. Đây là món ăn đặc sắc chỉ có ở vùng Tây Nguyên.
Lẩu lá rừng về cơ bản cũng gần giống các món lẩu thông thường nhưng điều khác biệt ở đây chính là các loại lá rừng sẽ được ăn thay các loại rau củ vẫn thường thấy.
Lẩu lá rừng sử dụng nguyên liệu là các loại lá cây trong rừng. Ảnh minh họa
Để nấu ra một nồi lẩu lá rừng, bà con Tây Nguyên thường vào rừng, hái khoảng 10 loại rau với các vị khác nhau, không có độc tố, không kị nhau khi ăn.
Đồng bào Tây Nguyên thường ăn lẩu lá rừng với thịt heo hấp và các món thường nhật hàng ngày.
Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị đăng đắng, nồng nồng vô cùng lạ miệng nhưng cũng không kém phần cuốn hút của các loại lá rừng. Đặc biệt, gắp một miếng thịt heo, vị ngọt, đậm đà béo ngậy như tan chảy trong miệng, khiến du khách nhớ mãi.
Canh thụt của người M’ Nông
Đối với đồng bào người M’ Nông, canh thụt là món ăn quen thuộc, yêu thích thường được chế biến vào các dịp lễ, Tết, đãi khách quý. Nguyên liệu chính để làm ra món ăn này là: lá bép (hay còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng, ớt xiêm rừng, cá suối hoặc thịt động vật.
Người M’Nông xem đây là những sản vật quý mà núi rừng ban tặng cho họ từ bao đời.
Canh thụt là món ăn quen thuộc của đồng bào người M' Nông (Tây Nguyên). Ảnh: Báo Tin Tức
Điểm độc đáo, hấp dẫn nhất của món ăn chính là cách nấu chín. Tất cả các nguyên liệu trên sẽ được đồng bào ở đây nhồi trong các ống lồ ô. Việc nhồi các nguyên liệu được làm cẩn trọng, sao cho các ống không được nhiều quá hoặc ít quá.
Tiếp nữa, một bếp lửa sẽ được nhóm lên và các ống lồ ô sẽ được dựng đứng lên để “nướng”. Việc “nướng” kéo dài khoảng 30 phút và ống lồ ô sẽ được xoay tròn để các nguyên liệu bên trong chín đều.
Canh thụt được đồng bào nơi đây nướng trong các ống lồ ô. Ảnh: amthuccuoituan
Cuối cùng, người nấu sẽ dùng thanh tre thụt tới thụt lui cho đến khi món canh nhuyễn nhừ. Khi thưởng thức, các thực khách sẽ cảm nhận mùi thơm của lá bép, vị cay của ớt, vị bùi, béo của đọt mây.
Đặc biệt, khi ăn miếng đầu tiên, thực khách sẽ thấy có vị đắng của đọt mây tưởng như khó ăn, nhưng vị ngọt sẽ nhanh chóng lan tỏa, khiến muốn ăn thêm miếng nữa, và rồi đâm ghiền lúc nào không biết.
Độc lạ món cá sống gỏi kiến vàng
Món gỏi kiến vàng khiến nhiều du khách lần đầu nghe tên không khỏi tò mò, sợ hãi.
Tuy nhiên nếu được nếm thử một lần, nhiều người sẽ phải trầm trồ, thừa nhận sức hấp dẫn, vị thơm ngon mà không phải món ăn nào cũng có được. Đây được xem là đặc sản của vùng đất KonTum bạt ngàn nắng gió.
Món ăn gỏi cá kiến vàng có hương vị rất đậm đà, khiến thực khách nhớ mãi khi thưởng thức.
Để chế biến được món cá gỏi kiến vàng phải trải qua những công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Cá được bà con bắt ở suối, sau đó mang về rửa sạch, băm nhuyễn và vắt cho hết nước để khử mùi tanh.
Tiếp đến, là công đoạn tìm ổ kiến vàng trong rừng rồi mang về giã nhỏ, trộn chung với cá băm nhuyễn. Để món ăn thơm, ngọt và béo, đồng bào Tây Nguyên thường chọn các ổ kiến non, không quá già.
Công đoạn cuối cùng là trộn cá, kiến băm nhuyễn với muối, ớt và thính gạo rang để giúp món ăn dậy mùi, khi ăn người ta lấy lá sung, rau rừng cuốn hỗn hợp lại rồi thưởng thức.
Món ăn gỏi cá kiến vàng có hương vị rất đậm đà, lúc nếm thử sẽ thấy vừa có vị ngọt và thơm của cá tươi lại vừa quyện vị chua chua, béo ngậy của kiến hòa quyện với vị đặc biệt của các loại rau được hái trong rừng. Món ăn này có giá trị dinh dưỡng rất cao và được bà con thường làm trong các dịp lễ Tết hoặc thiết đãi khách quý.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp