Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy. Tháng 10 (âm lịch), tháng 11 (dương lịch), khi nắng vàng xôn xao cũng là lúc đến mùa rươi. Người Hà Nội lại rủ nhau thưởng thức món chả rươi, thứ quà quý hiếm trong năm.
|
Chả rươi - Ảnh: Quỳnh Anh |
“Rươi không, ai mua rươi mùa nào”… Buổi sáng hanh hao nắng gió, lang thang trên phố cổ Hà Nội bắt gặp những người chị, người mẹ kĩu kịt quang gánh cất tiếng rao lọt thỏm trong mớ hỗn độn còi xe. Bên đường, hai ba người chạy ra hỏi han mua, bán. Xì xào. Chóng vánh. Tiếng rao thanh thanh ấy kịp đọng lại trong tâm trí tôi, gợi nhớ đến một thức quà quý hiếm của Hà Nội - chả rươi. Vừa hay đi thêm một hai con phố nhỏ, tôi bắt gặp một quán bên đường Hàng Chiếu với tấm biển “Chả rươi”.
Quán đơn sơ với chiếc bếp lò, bên trên là chảo mỡ vàng đang sôi. Một âu nhựa to sền sệt những chú rươi đã được cô bán hàng đánh nhuyễn. Cô hàng luôn tay múc từng muôi rươi nhỏ đổ vào chảo mỡ nóng già để nhỏ lửa. Mùi thơm nức của chả rươi bốc lên nghi ngút. Rất nhanh, từng miếng chả rươi màu vàng cánh gián, cỡ nửa bàn tay được “ra lò”, phục vụ cả một hàng dài thực khách đang nóng lòng chờ đợi.
Miếng chả vàng ruộm, chưa ăn đã nức mùi đầy quyến rũ. Lớp vỏ ngoài màu vàng cánh gián, vừa giòn mà không cháy, mềm mà không nát. Cắn một miếng là chạm tới lớp thịt rươi mềm mềm. Vị đậm đà, vừa bùi vừa ngọt đậm, lại nghe quen lắm cái vị trần bì thanh thanh…
Rươi còn có tên gọi khác là rồng rất, là giống hải trùng chỉ có ở vùng nước lợ ven biển đồng bằng Bắc bộ như Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… Hằng năm vào độ cuối thu, đầu đông, từ các chân ruộng sâm sấp nước, con rươi nứt lỗ chui lên, bước vào mùa sinh sản mới.
Mùa rươi ngắn ngủi, chỉ tầm 15 ngày. (Dân ta có câu “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm" để chỉ ngày có rươi lên là vì thế). Từ những vùng quê biển, rươi được gồng gánh đưa về Hà Nội. |
Chả rươi ăn kèm với rau xà lách non. Mấy chiếc lá húng, lá mùi cũng không thể thiếu, thêm đĩa bún từng sợi trắng ngần và bát nước chấm với dưa góp làm từ su hào hay đu đủ cay cay… Từng ấy thứ để đắm say lòng người. Từng ấy thứ đủ để người ta vừa ăn vừa hít hà, xuýt xoa và nhớ mãi.
Cố ngồi nán lại bàn ăn, tận hưởng vị cay cay lan tỏa trên đầu lưỡi và dư vị dễ chịu của miếng chả rươi, tôi lan man hỏi cô bán hàng về món ăn đặc biệt này.
“Rươi ngon là rươi thân mập, ánh hồng, màu xanh thẫm, nâu đỏ hoặc vàng chanh. Rươi mua về rửa sơ bằng nước lã rồi “làm lông” bằng nước nóng già. Rươi đánh nhuyễn, trộn với thịt nạc xay, trứng, vỏ quýt, thì là, ớt chỉ thiên bằm nhỏ, nêm gia vị vừa ăn. Dầu sôi cho từng thìa “bột” rươi vào rán, vàng đều, thơm lựng là được….” - cô bán hàng mau mắn kể.
Nghe thì đơn giản thế nhưng để rán được chả rươi ngon cần lắm cái tài của người đầu bếp. Sự tinh tế trong khâu làm rươi, khéo léo khi rán chả. Dầu phải để sôi già, nhưng rươi cho vào rán lại để lửa nhỏ liu riu để chín từ từ. Miếng chả chín giòn ngoài, mềm trong mà không khô, không nát…
Pha chế nước chấm cũng là cả một nghệ thuật. Miếng chả có đậm đà, có ngon phần nào nhờ bát nước chấm tỏi ớt pha khéo…
Bấy nhiêu “lưu ý” cầu kỳ đủ làm thêm một nét đáng yêu cho món chả rươi Hà Nội.
Ngày nay người Hà Nội đi ăn chả rươi không chỉ đơn thuần để thưởng thức thứ đặc sản hiếm có trong năm, mà còn để tìm kiếm chút phong vị giao mùa của trời đất. Chả rươi còn giúp ta liên tưởng tới hương vị của đồng quê, đến những kiếp phù sinh với bao truân chuyên của người dân vùng cửa bể…
Theo Tuổi Trẻ