Cheesecake là một món bánh tráng miệng có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với bề dày lịch sử hơn 4000 năm, cheesecake chắc chắn sẽ làm xiêu lòng tất thảy những ai từng thử qua chúng, dù chỉ một lần.
Nguồn gốc của Cheesecake
Không ai biết phô mai và các sản phẩm của phô mai xuất hiện từ bao giờ. Theo các nhà nhân chủng học vật lý, phô mai có thể đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm.
Cheesecake là món tráng miệng nổi tiếng có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ. Có bằng chứng rằng, món bánh này đã được phục vụ cho các vận động viên trong các thế vận hội Olympic đầu tiên vào năm 776 trước Công nguyên ở Hy Lạp.
Nhà vật lí Aegimus là người sáng tạo ra chiếc bánh cheesecake đầu tiên. Trong cuốn sách De Agri Cultura của Marcus Porcius Cato của mình, ông đề cập tới công thức của 2 món bánh dành cho những tu sĩ là Libum và Placenta. Trong số hai loại bánh thì Placenta là chiếc bánh giống với Cheesecake hiện nay nhất, với một lớp vụn được chuẩn bị trước và nướng.
Tuy nhiên, chiếc cheesecake ngày nay vẫn khác xa so với nguyên bản về độ đặc cũng như hương vị.
Có gì bên trong một chiếc cheesecake
Cheesecake được ưa chuộng trên khắp thế giới với thành phần chính là phần đế làm từ bông lan, bánh gato hay bánh quy nghiền nhỏ cùng với lớp nhân mềm mịn, béo ngậy từ phô mai tươi. Tuy nhiên, tùy vào khẩu vị và sở thích của từng nơi mà nhân bánh cũng được thay đổi theo nhiều cách vô cùng độc đáo.
Nếu như hầu hết Cheesecake ở Mỹ và Canada sử dụng cream cheese, thì ở Ý được thay bằng ricotta và đến Đức, Hà Lan, Ba Lan thì lại phổ biến quark (một loại phô mai gần giống pho mát trắng).
Phần đế bánh cheescake sẽ được thêm bơ hoặc đường để tạo độ ngọt và hương thơm cho món tráng miệng này. Người ta thường nướng cheesecake trong khuôn springform, một loại khuôn kim loại tròn có khóa, được cách thủy để có nhiệt độ đồng đều.
Do tỉ trọng cao của hầu hết các loại cheesecake, người ta thường nướng thêm một khoảng thời gian nữa sau khi lấy ra từ trong lò.
Để mỗi món cheesecake thêm hấp dẫn và có mùi vị đặc trưng riêng, người thợ sẽ sử dụng trái cây, các loại hạt, nước sốt hay chocolate để trang trí lên trên mặt của bánh.
Hành trình du ngoạn khắp thế giới của cheesecake
Sau khi người La Mã chinh phục Hy Lạp, họ đã thay đổi công thức làm bánh phô mai. Theo đó, họ nghiền phô mai kết hợp với trứng và nướng bánh dưới một viên gạch nóng. Người La Mã gọi bánh phô mai của họ là “libuma” và họ phục vụ nó vào những dịp đặc biệt.
Đây cũng chính là công thức làm bánh phô mai lâu đời nhất được ghi lại bởi chính trị gia người La Mã, Marcus Cato vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Sau này, khi mở rộng đế chế của mình, người La Mã đã mang công thức làm cheesecake tới châu Âu. Ở đây, nhiều công thức làm bánh phô mai mới được ra đời, mang những hình thái văn hóa khác nhau, sử dụng các nguyên liệu bản địa của từng khu vực.
Ngay cả đầu bếp của vua Henry VIII cũng sáng tạo ra những phiên bản bánh phô mai, trong đó có bánh pho mai từ pho mát sữa đông và một phiên bản khác có nhân từ phô mai mềm.
Sau quá trình du nhập và cải tiến, phải đến thế kỷ XVIII, bánh phô mai mới bắt đầu giống như cheesecake ngày nay. Vào thời gian này, để loại bỏ hương vị men quá mạnh của cheesecacke, người châu Âu đã sử dụng trứng đánh bông thay cho men để làm bánh mì và bánh bông lan, khiến hương vị của bánh mới lạ và giống một món tráng miệng hơn.
Từ đó bánh phô mai được biết đến rộng rãi và ưa chuộng ở mọi nơi trên thế giới cho tới tận ngày nay. Mặc dù có rất nhiều phiên bản khác nhau tùy vào phong cách chế biến của mỗi vùng, nhìn chung cheesecake vẫn thuyết phục thực khách bởi sự mềm mại, béo ngậy đặc trưng vốn có.
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp