Với người Hà Nội, cách ăn chuối cũng có cái thú và nghệ thuật thưởng thức riêng. Thu về, nhà nhà thường thích thú đi mua nải chuối tiêu trứng cuốc để chấm với cốm Vòng. Dù gì thì đây cũng là đặc sản hạng sang của riêng Hà Nội và chỉ có vào mùa thu.
Có thưởng thức vị ngòn ngọt, thơm bùi của trái chuối ven đường, người ta mới hiểu thêm cái ngon, cái riêng của chuối Việt (còn gọi là chuối ta), cùng nỗi vất vả, nặng nhọc của những người gánh hàng rong. Hóa ra, để khách có thể chọn những nải chuối đẹp, chín vàng dùng làm đồ thờ hoặc thưởng thức sau bữa ăn, người bán chuối rong đã phải cất công lặn lội trên từng nẻo đường, góc phố.
Với người Hà Nội, cách ăn chuối cũng có cái thú và nghệ thuật thưởng thức riêng. Thu về, nhà nhà thường thích thú đi mua nải chuối tiêu trứng cuốc để chấm với cốm Vòng. Dù gì thì đây cũng là đặc sản hạng sang của riêng Hà Nội và chỉ có vào mùa thu. Khi ăn món này phải thật nhẹ nhàng, từ tốn: Chuối được bẻ đôi hoặc cắt thành từng đoạn ngắn, chấm miếng chuối vào cốm rồi cho vào miệng nhai thật chậm. Lúc ấy, ta mới thấy được cái vị ngọt thơm nồng của chuối hoà quyện vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen...
Đến cuối thu, trời trở gió, chuối tiêu trở thành món tráng miệng phổ biến của người Hà Nội. Chuối lúc này rất rẻ, lại được "ủ" bởi làn gió heo may se lạnh nên luôn giữ được vị thơm ngon, tinh khiết vốn có. Vỏ của nó vàng lựng, thịt săn chắc, dẻo thơm như đã tích tụ những dư vị cuối cùng của mùa thu Hà Nội. Ăn chuối lúc này, lòng ta sẽ thấy phấn khởi, pha chút bâng khuâng, xao xuyến về một mùa thu đẹp qua đi, để nhường chỗ cho một mùa đông băng giá.
Quả chuối tuy bé nhỏ, nhưng cũng có thể sánh ngang với bất cứ thứ quả nào như đào, lê, táo, bưởi... thậm chí, cả hạt cốm thơm dẻo của làng Vòng. Đó có lẽ cũng là điều dễ hiểu./.
Nguồn : Báo Du lịch