Cơm tấm hay còn gọi cơm tấm Sài Gòn từ lâu đã là một món ăn cực kỳ phổ biến ở Sài Gòn, nếu Hà Nội nổi tiếng với phở thì khi nhắc đến Sài Gòn, người ta liền nghĩ ngay tới cơm tấm.
Nguồn gốc món cơm tấm Sài Gòn
Cơm tấm Sài Gòn là món ăn truyền thống của Việt Nam, được làm nên bởi những phần vỡ, hoặc gãy của hạt gạo (gọi là hạt tấm) trong quá trình xay xát. Bởi vậy từ xa xưa, cơm tấm từng được coi là món cơm cứu đói và chỉ dành cho những người nông dân, hay những người lao động nghèo.
Vào thời kỳ chế độ cũ ở Việt Nam, cơm tấm Sài Gòn được sử dụng như bữa ăn hàng ngày, dọn ra mâm với bát đũa, đầy đủ các món chính, món phụ.
Lúc đó, Sài Gòn luôn nhộn nhịp người ngoại quốc từ nhiều nước trên thế giới. Vì thế, người dân nơi đây đã biến tấu món cơm tấm cho phù hợp với khẩu vị, phong cách của thực khách để bán cho cả người dân trong nước và nước ngoài.
Từ đó, cơm tấm Sài Gòn cùng các món ăn kèm được bày trên một chiếc đĩa to và sử dụng thìa, dĩa khi ăn gần giống các món Tây, thay vì dùng bát, đũa như ban đầu. Cho đến ngày nay, người ta vẫn duy trì cách trang trí món ăn và cách thưởng thức này như một đặc trưng chỉ có ở cơm tấm Sài Gòn.
Thành phần của một đĩa cơm tấm Sài Gòn
Một đĩa cơm tấm truyền thống bao gồm:
Gạo tấm
Gạo tấm dùng để nấu cơm, là loại gạo lấy từ phần đầu của hạt gạo bị vỡ ra trong quá trình xay xát. Đây chính là điểm đặc biệt làm nên thương hiệu riêng cho cơm tấm Sài Gòn.
Theo cách truyền thống, cơm tấm ngon nhất là khi được nấu trên củi lửa với nồi đất hoặc nồi gang. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, nhiều người thường áp dụng phương pháp hấp cách thủy. Trước khi nấu, gạo tấm sẽ được ngâm với nước vài giờ cho hạt gạo mềm, rồi hấp cách thủy đến khi chín. Hạt cơm tấm trắng mềm, có mùi thơm thoang thoảng chắc chắn sẽ khiến bạn say mê không dứt.
Nước chấm
Cơm tấm phải ăn cùng nước chấm thì mới dậy lên hương vị đặc trưng đúng điệu. Nước chấm của cơm tấm thường được chế biến bằng cách pha nước mắm, nước lọc và đường.
Độ ngọt và đậm đà của nước chấm sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn với khẩu vị của mỗi người. Đôi khi, người ta cũng cho thêm tỏi và ớt để tăng hương vị cho bát nước chấm.
Món ăn kèm
Ngày nay, món cơm tấm sẽ được phục vụ cùng đa dạng những món ăn kèm bổ dưỡng và ngon miệng.
– Chả trứng: Được làm từ hỗn hợp trứng, thịt, mộc nhĩ, nấm hương,… và một số gia vị nêm nếm vừa đủ. Chả thường được hấp cách thủy. Sau đó cắt thành từng miếng chữ nhật hoặc một góc hình tròn.
– Mỡ hành: Là hỗn hợp mỡ và hành lá, phi dầu hoặc mỡ trộn với tóp mỡ chiên giúp món cơm tấm thơm hơn và thêm phần béo ngậy.
– Đồ chua: Thường được chế biến từ cà rốt hay củ cải, sau đó có thể thêm cà chua, dưa leo, dưa muối hoặc đủ đủ. Những món chua đi kèm góp phần làm hương vị của món cơm tấm Sài Gòn trở nên phong phú và đặc sắc
– Món mặn: Cơm tấm Sài Gòn có nhiều món mặn ăn kèm tùy vào lựa chọn của người dùng như sườn, trứng, bì,… một số quán cơm tấm đêm còn phục vụ cơm tấm với đậu hũ, thịt kho tàu, cá chiên, gà, rau, đồ xào…
Ngoài ra, người dân Sài Gòn cũng phục vụ món cơm tấm với một số món ăn kèm nổi tiếng khác như xá xíu, nem nướng, chả giò, trứng ốp la…
Cùng với nem nướng, bánh xèo, cơm tấm ngày nay đã trở thành một trong những món ăn đặc trưng nhất của vùng đất Sài Thành, được ưa chuộng bởi hàng triệu người dân Việt Nam. Vì thế, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này khắp nơi ở Sài Gòn, từ tiệm cơm bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng.
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp