Ninh Bình là một trong những tỉnh nằm ở vùng duyên hải thuộc châu thổ sông Hồng, có những nét đặc thù riêng của nền văn minh lúa nước, của văn hoá sông Hồng, trong đó có văn hoá ẩm thực. Và ở mỗi vùng miền trên dải đất này lại có những món đặc sản riêng không chỉ hợp khẩu vị với người dân sở tại mà còn làm cho nhiều du khách cả trong nước và Quốc tế đến đây thích thú, say lòng.
Đến với vùng đất mở Kim Sơn, nhiều đoàn khách khi về đây, không chỉ tìm đến nhà thờ Đá, mà còn không quên thưởng thức bát bún mọc, món gỏi Nhệch, nhâm nhi với ly rượu nếp Lai Thành. Sắc màu, dư vị của những món ăn, thức uống này được chế biến, chưng cất với cả một nghệ thuật, kỹ năng dày công tích luỹ. Những người cao niên ở đất Lai Thành cho biết: Muốn có rượu ngon cũng phải dày công lắm, bởi không chỉ có men gia truyền, nước phải từ giếng khơi mà thứ gạo nếp để nấu rượu cũng phải chọn đất để cấy. Có như vậy rượu mới thơm, trong, sóng sánh và chỉ nhấp nhẹ một ngụm đã cảm nhận được dư vị đặc biệt của nó, cay ngọt, lâng lâng lan toả khắp cơ thể. Bún mọc Quang Thiện lại mang một nét đặc trưng khá độc đáo. Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn. Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướp gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.
Đến với Yên Mô, ta sẽ được thưởng thức đặc sản nem Yên Mạc, rượu Yên Lâm, bánh đa chợ Lồng. Nghe nói ngày xưa khi các nho sinh trên đường vào Kinh đi thi thường ghé qua chợ Bút để mua sắm, tối hội nhau ở Mạc Đình để thưởng thức món nem Yên Mạc với rượu Yên Lâm, vừa để ngâm vịnh, hoạ thơ. Để rồi "Nem Yên Mạc níu chân người - Rượu bầu thơ túi một đời tìm nhau". Ngày nay nem Yên Mạc đã vươn xa, có mặt ở nhiều khách sạn, nhà hàng cả trong và ngoài tỉnh. Nem Yên Mạc do được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi, ướp gia vị là lá ổi tàu để được hàng tuần, nên trong ngày Tết không chỉ ở Ninh Bình mà không ít người từ Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng còn tìm về mua để dùng đãi khách quý.
Đến với thành phố trung tâm tỉnh lỵ hay đến với Hoa Lư với đất kinh đô xưa lại có những món ăn, một phong cách ẩm thực độc đáo. Có những món đặc sản dù xuất hiện chưa lâu mới vài ba thập kỷ nhưng đã thực sự chinh phục thực khách. Đó là những món ăn được chế biến từ dê như: tái dê, dê hấp, dê áp chảo. Ở đất Trường Yên và các xã vùng ven, dê được chăn thả trên những dãy núi đá trập trùng, chất bổ dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh, nên hầu như số đông khách du lịch về Ninh Bình đều tìm đến thưởng thức. Riêng quán thịt dê ở dưới chân núi Mã Yên, ngày nào ít nhất cũng đón tới hàng trăm khách. Ở thành phố, còn có món cơm cháy Hương Mai, miến lươn bà Phấn vốn đã nổi tiếng gần xa. Ngược dòng thời gian, khi đến với đất Cố đô không ai không biết đến cá rô Tổng Trường, nghe nói ngày xưa là thứ đặc sản tiến vua, được đánh bắt từ những triền hang, lòng động. Thân cá tròn lẳn, béo múp, da vàng óng, thịt cá thơm, ngậy, ngọt, xương cá giòn, ta có thể kho tộ, rán, nấu dấm đều ngon.
Nguồn : báo Ninh Bình