Ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình.
Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình.
Bánh Khảo (Cao Bằng)
Cứ độ 20 tháng chạp (tức tháng 12 âm lịch), các nhà trong bản lại xôn xao làm bánh Khảo đón Tết Nguyên Đán. Với người Tày, Tết mà không có bánh Khảo thì chẳng là Tết nữa. Để lâu mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon, không bị mốc, thiu nên bánh khảo tựa như một thứ lương khô ngọt ngào của người Tày. Họ làm bánh Khảo thay kẹo, để ăn Tết, mời khách tới thăm nhà.
Để có được những phong bánh khảo thơm phức phải trải qua thật nhiều công đoạn. Nào là chọn gạo nếp, rang gạo, xay nhỏ bằng cối đá, đổ bột vào cái mẹt lót giấy đem hạ thổ.
Bánh Khảo từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người Cao Bằng để lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên và đãi khách đầu năm mới. Đôi vợ chồng mới cưới ngày đầu năm về thăm bên ngoại, ngoài đồ lễ chẳng thể thiếu gói bánh Khảo. Câu chuyện đầu năm mới trở nên thân tình, ấm cúng hơn khi nhấp ngụm trà nóng với phong bánh Khảo thơm ngon.
Khâu Nhục (Lạng Sơn)
Khâu Nhục (hay còn gọi là Nằm Khâu) là một món ăn mà thường được thấy trong những dịp lễ Tết hoặc những sự kiện quan trọng của người dân tộc Tày được làm từ thịt lợn nhưng lại mang cho bạn một hương vị thật khác.
Đây là món gần giống như thịt kho nhưng được hấp cách thủy với nhiều loại gia vị, ướp càng lâu càng ngon. Để có món khâu nhục chuẩn, người ta phải nấu tới nửa ngày cho miếng thịt mềm, sao cho khi ăn như tan ra trong miệng.
Bánh Chưng, dưa hành (Hà Nội)
Tết cổ truyền trong mâm cỗ của người dân Hà Thành chẳng bao giờ thiếu được bánh chưng, dưa hành. Đó đều là những thứ không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền ngày xưa và nay với ước mong một năm đủ đầy, hạnh phúc, ấm no. Cùng với các món thịt, bánh chưng, dưa hành vẫn cứ lưu truyền mãi. Tuy thế hệ trẻ bây giờ không còn được trải nghiệm hình ảnh câu đối đỏ, nêu cao, tràng pháo, nhưng qua những món ăn thôi cũng thấy ngấm đẫm cái hương vị ngày Tết.
Dưa Món (Đà Nẵng)
Nếu Hà Nội chuộng dưa hành, Sài Gòn chuộng dưa kiệu thì dưa món là món ăn phổ biến và cũng là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người Đà Nẵng nói riêng và người miền Trung nói chung. Dưa món là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu tươi như: cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu, ... mỗi thứ một mớ, sau khi sơ chế được ngâm trong hũ với bí quyết nước ngâm riêng của từng nhà, từng vùng.
Vị ngọt giòn, chua chua của món dưa món rất được nhiều người ưa thích. Dưa món chủ yếu được dùng ăn kèm với bánh tét để tạo cảm giác chống ngấy hiệu quả và giúp ngon miệng hơn, dễ tiêu hóa hơn.
Canh khổ qua (Sài Gòn)
Theo quan niệm của dân gian thì trong ngày Tết mà thưởng thức món canh khổ qua có ý nghĩa là mong muốn cho những khổ cực của năm cũ sẽ qua đi để chào đón sự may mắn, tốt đẹp trong năm mới sẽ tới. Bởi vậy mà món ăn này cũng là một trong những món ăn ngày Tết miền Nam mà nhiều người thích mê.
Không chỉ đơn giản là mang ý nghĩa tốt lành mà món canh khổ qua này còn có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể con người một cách tốt nhất. Món canh này có nhiều tác dụng: giải nhiệt, chống ngán, giải mỡ,… nên nếu được thưởng thức món canh này trong ngày Tết với nhiều đồ ăn chứa đạm thì hẳn là một điều vô cùng tuyệt vời.
Bánh Tét cốm dẹp (Sóc Trăng)
Có thể nói bánh Tét là món ăn truyền thống của người dân miền Nam và thường được dùng trong các ngày lễ, Tết cổ truyền hay đám giỗ tổ tiên ông bà… Ngoài cách làm bánh Tét thông thường với các nguyên liệu từ nếp nguyên hạt, đậu xanh, nhân mỡ, nhân thịt; bánh Tét nhân ngọt có nhân chuối, pha lẫn đậu trắng trộn chung với nếp thì bà con người Khmer ở Sóc Trăng vùng Nam bộ đã sớm tận dụng nếp thơm vừa đỏ đuôi quết thành cốm dẹp và gói thành bánh Tét cốm dẹp cũng không kém phần hấp dẫn. Với ý nghĩa tạ ơn và hy vọng năm sau mùa màng sẽ tiếp tục bội thu, người người an cư lạc nghiệp, cầu nguyện cho gia đình sức khỏe dồi dào.