Món đậu phụ thối có mùi rất nặng, do được lên men trong một thời gian dài.
Đúng như tên gọi, đậu phụ thối có mùi rất nặng, xuất phát từ việc lên men đậu phụ trong thời gian dài. Tùy thuộc quá trình lên men khác nhau mà món ăn này sẽ có "độ thối" khác nhau. Ảnh: Shanghai Daily.
Tương truyền, đậu phụ thối có từ đời Khang Hy, hoàng đế thứ tư của nhà Thanh. Bấy giờ, Vương Trí Hòa, một sĩ tử thi trượt, không có lộ phí về nhà nên ở lại kinh thành bán đậu phụ. Một ngày nọ, đậu phụ bị ế, anh ta bèn cắt đậu thành những miếng nhỏ đem ướp muối trong chum. Vài ngày sau, anh mở chum ra, thấy đậu phụ bốc mùi rất thối và chuyển sang màu lục. Nếm thử thấy ngon, Vương Trí Hòa bèn mang ra bán. Món ăn lạ từ đó được nhiều người chuộng và lan truyền rộng rãi. Ảnh: Great Big Story.
Câu chuyện truyền miệng trên còn có một dị bản kể rằng Vương Trí Hòa lại là một người chăn lợn kiêm bán đậu phụ. Một ngày nọ, anh bỏ đậu phụ rán vào chum và nêm gia vị, nhưng đàn lợn khiến anh xao nhãng mà quên đậy nắp. Vôi trắng trên tường vô tình rơi vào chum. Khi quay lại, Vương Trí Hòa đã thấy đậu phụ rán đã thành đậu phụ thối rán. Ảnh: The Express Tribune.
Đậu phụ thối đã trở nên quen thuộc với người dân Trung Quốc. Đây được xem là món ăn bình dân và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng của quốc gia hơn một tỷ dân. Thực khách có thể ăn trực tiếp, hoặc gọi phiên bản hấp hoặc hầm, tuy nhiên cách chế biến phổ biến nhất là rán. Ảnh: TripSavvy.
Nếu là người đam mê ẩm thực đường phố, bạn hãy thử ăn vài miếng đậu phụ thối rán kèm với tương ớt, khi đi du lịch Trung Quốc. Song nếu du khách không quen những món có mùi nặng, việc thưởng thức đậu phụ thối sẽ như "cực hình". Ảnh: Culture Trip.
Theo du lịch Tugo