Nếu có dịp về thôn Trung, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), bạn sẽ được chủ nhà nồng hậu thết đãi món ăn đặc sản của vùng quê này, món đậu Rùa.
Sao lại gọi là đậu Rùa? Chắc bạn sẽ ngạc nhiên: Món đậu làm từ thịt rùa hay có hình… con rùa? Không, đậu Rùa chỉ đơn giản được gọi theo tên của địa phương làm ra nó - xóm Rùa. Bây giờ dù tên địa danh đã đổi khác nhưng người ta vẫn quen gọi với cái tên đậu Rùa - như một “thương hiệu” quen thuộc.
|
Đậu Rùa bao giờ cũng có hai loại: Đậu Nướng và Đậu Trắng - Ảnh: Hòa Nguyễn |
Ở xóm Rùa có nhiều gia đình năm, sáu đời gắn bó với nghề làm đậu. Nhiều cụ cao tuổi trong xóm chẳng thể nhớ nổi nghề làm đậu có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã thấy cha mẹ làm, rồi cứ này qua đời khác truyền nghề cho nhau mà làm.
Cách làm đậu Rùa cũng tương tự cách làm đậu phụ của nhiều nơi, khác chăng là cách ép khuôn đặt vải gói đậu. Người xóm Rùa làm đậu bao giờ cũng chọn loại đỗ tương hảo hạng, hạt trắng, tròn mẩy đem ngâm nước. Thời gian ngâm đỗ phải được cân nhắc cẩn thận, trời nóng chỉ ngâm 5-6 giờ nhưng nếu trời lạnh có khi phải ngâm 8-9 giờ. Đỗ nở căng hết ra thì đem xay rồi đổ nước đậu đã xay vào túi lọc cho sạch bã, chỉ lấy phần nước.
Phần nước này sẽ được đun trên bếp than, khi sôi phải nhấc nhanh nếu không nước đậu sẽ trào hết ra ngoài và đậu khi làm xong dễ có mùi khê. Khi nước đậu còn nóng, phải thật nhanh tay hòa nước giống (loại nước được lên men chua từ phần nước đậu đã vớt hết cái từ hôm trước) vào, khua nhẹ tay tới khi thấy có mảng cái nổi lên thì dừng. Sau đó đem phần hỗn hợp này đổ vào khuôn bên trên đã rải một miếng vải sạch nhỏ rồi gói lại.
Cứ làm như thế tới khi đầy khuôn gỗ thì dùng vật nặng ép lên trên cho ráo nước, nhấc ra là xong.
Đậu Rùa thường có đậu trắng và đậu nướng. Sau khi gỡ đậu ra khỏi khuôn ép là đã có món đậu Rùa trắng ăn mát mà vẫn thấy vị béo bùi của đậu. Với đậu Rùa nướng sau khi ép xong sẽ được đặt lên trên than hồng, nhanh tay lật đậu để đậu có màu vàng đều và không bị cháy. Đậu khi nướng xong sẽ rắn hơn, dậy mùi thơm của đỗ tương rang, mới nhìn thôi đã thấy ngon.
Dù là trắng hay nướng, đậu Rùa bao giờ cũng chỉ lớn hơn bao diêm một chút. Đặc biệt khi ép xong người xóm Rùa không bao giờ thả đậu vào nước lạnh mà cứ thế đem đi bán nên miếng đậu không bị nhão vẫn còn nguyên hơi ấm tới tận chợ. Có lẽ thế mà đậu xóm Rùa làm bao giờ cũng đắt hàng hơn đậu nơi khác.
Trước đây đậu Rùa chỉ bán ở chợ Táo đầu làng, nhưng dần dà đã theo chân các bà các chị ra các chợ xa hơn, tên đậu Rùa được nhiều nơi biết tới và đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Người xóm Rùa đi xa vì thế lâu lâu thèm nếm vị mát, bùi của đậu Rùa cho vơi nỗi nhớ mong quê nhà.
Đậu phụ nói chung cũng như đậu Rùa nói riêng có thành phần dinh dưỡng, trong đó chủ yếu là protein. 100g đậu phụ hàm lượng protein chiếm hơn 34%, ngoài ra còn chứa 8 loại axit amin, khoáng chất, canxi rất có lợi cho sức khỏe con người.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, đậu phụ vị ngọt, tính mát, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng, có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham. Do vậy, ngoài tác dụng là thực phẩm ra, đậu phụ còn có tác dụng làm thuốc hỗ trợ cho việc phòng và trị bệnh rất hiệu quả. Nếu chế biến đậu chung với nấm rơm, giá đỗ, mộc nhĩ.... sẽ là những món ăn ngon miệng và bổ dưỡng.
|
Nguồn : Tuổi Trẻ