Trong thời gian này nếu ai có dịp đến với các nóc của đồng bào Mơ Nông thuộc xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) sẽ được người dân mời ăn cúng nếp mới.
|
Nếp mới ăn kèm với thịt heo rừng kho với sả, lá chanh hay cá niên chiên giòn thì ngon tuyệt vời - Ảnh: Hương Cát |
Trước khi ăn tết lúa mới khoảng 10 ngày, người dân Mơ Nông tiến hành cúng nếp mới. Cúng nếp mới tuy diễn ra đơn lẻ từng gia đình, không rộn ràng bằng tết lúa mới nhưng đây cũng là một trong những nét phong tục của người Mơ Nông thuộc huyện miền núi Quảng Nam. Đốt nếp mới để cúng trời, đất, thiên nhiên, núi rừng, sông nước… và ăn mừng thu hoạch nếp đã xong.
Người Mơ Nông trồng nếp mỗi năm một vụ, bắt đầu từ tháng 3 và thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11 (dương lịch). Sau khi tuốt hết nếp trên rẫy đem về thì tiến hành 3 ngày kiêng cữ.
Trong thời gian cữ, đàn ông đàn bà đều không được nhậu nhẹt, uống rượu. Đàn ông và trẻ con có thể đi xa, lên rẫy, lên nương, xuống xã, đi học… nhưng phụ nữ thì chỉ được đi lại trong phạm vi ở nóc, có khi không được tắm vì sợ điềm xấu xảy ra như đi xa thì sợ rắn cắn, ngã suối; tắm thì sợ chết nước; ngã xe thì nếp trên nương trên rẫy cũng bị ngã. Nhà nào cữ thì những nhà khác không được đến xin đồ: ít rau, quả cam, nước… và gia đình đang ngày cữ cũng sẽ không cho ai bất cứ thứ gì trong nhà. Đến ngày cuối cùng đốt nếp (cúng nếp mới).
Cũng giống như lúa mới, nếp mới đem về sau khi cúng rồi mới được dùng để nấu ăn. Ngâm nếp khoảng 4-5 giờ cho hạt nếp mềm rồi bỏ vào ống nứa dài 1-1,5m. Nứa chặt trên núi đem về phải là những ống nứa không quá già hoặc quá non, nếu già khi đốt nứa sẽ bị cháy, nứa non thì thân còn nhiều nước đốt khó chín. Sau khi bỏ nếp vào ống nứa, xé một ít lá chuối, lá ráy khô nút miệng ống lại đặt lên bếp lửa đang cháy nướng 30-45 phút tùy lửa cháy to, nhỏ.
Số lượng ống nếp mỗi nhà không giống nhau. Nhà nào thu hoạch được ít nếp thì làm 5-6 ống nếp, nhà nào nhiều thì lên đến 20-30 ống. Dù ít hay nhiều bắt buộc mỗi nhà đều có hai ống nếp ngắn khoảng nửa mét để cúng. Những ống nếp dài, lớn hơn sẽ được chia cho người trong nóc, thầy cô giáo cắm bản cùng ăn, riêng hai ống ngắn chỉ để dành cho người trong gia đình ăn, không được cho người ngoài.
Trước khi ăn dùng dao hoặc rựa rọc qua lớp nứa bị cháy bên ngoài, chỉ để lại phần ruột nứa bọc nếp bên trong để khi ăn chỉ cần dùng tay bóc (giống như lột vỏ chuối) chấm nước mắm, muối vừng. Nếu ăn ngon phải ăn kèm với thịt heo rừng kho sả, lá chanh hay cá niên chiên giòn.
|
Ống nứa ngắn đã được bỏ nếp vào trước. Hai ống nếp này được dùng để cúng - Ảnh: Hương Cát |
|
Mum (mẹ) Hồ Thị Dồn bỏ nếp vào ống nứa - Ảnh: Hương Cát |
Nếu tình cờ đến nhà người dân Mơ Nông nào đang tiến hành quá trình bỏ nếp vào ống nứa, bạn phải ngồi đợi họ bỏ hết nếp vào các ống mới được đứng dậy ra về. Cụ Hồ Thị Dồn ở nóc Đèn Pin (thôn 3, xã Trà Leng) cho biết: “Nếu người lạ đang ở trong nhà lúc nếp chưa bỏ hết vào ống mà ra về thì khi nướng nếp sẽ rơi ra ngoài”. Khi được mời vào nhà ăn nếp mới, bạn nên ăn một ít để chia sẻ niềm vui mừng nếp mới của bà con, như vậy họ sẽ vui cái bụng.
Quá trình bỏ nếp vào ống, nướng nếp và cúng đều do người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình thực hiện. Nếu nhà không có phụ nữ thì công việc này do người đàn ông già nhất làm. Khác với tục tết lúa mới, cúng nếp mới không có rượu, thịt gà, thịt heo.
Sau ngày đốt nếp mới hai hôm, người nhà sẽ đem một ít nếp (chưa giã), một ít hạt bắp, một ít hạt bí (thường mỗi thứ một quả)… ra rẫy cũ để gieo cho con ma, con heo, trâu bò, chim chóc… hưởng. Theo quan niệm của người Mơ Nông, đây là cách họ trả ơn những thần linh đã cho họ có cái để ăn.
Nguồn : Tuổi trẻ