Đến với mảnh đất cố đô, ngoài tới thăm các di sản thiên nhiên hùng vĩ, bạn chớ quên nếm thử các món đặc sản hương vị độc đáo không nơi nào có được. Chuyến khám phá Ninh Bình sẽ thêm ý nghĩa và khó quên khi được thưởng thức gỏi nhệch, ốc núi, thịt dê, cơm cháy… và nhiều món ngon khác.
1. Gỏi cá nhệch
Cá nhệch là đặc sản của vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình - Thanh Hoá. Người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn như kho, rán, nấu canh chua nhưng chỉ có món gỏi cá nhệch mới có thể lột tả được mùi vị chân thực nhất của loại đặc sản này. Ngoài Nga Sơn (Thanh Hoá) thì Kim Sơn (Ninh Bình) là nơi nổi tiếng nhất về món gỏi cá nhệch.
Cá nhệch thân dài giống con lươn và cá chình, thường được bắt vào mùa mưa ngâu. Người ta chọn ra những con cá tươi ngon nhất, sơ chế và tẩm ướp để hết mùi tanh, sau đó ăn sống. Tuy nhiên, món gỏi không thể thiếu thính được làm bằng gạo nếp rang giã nhỏ. Thính được trộn đều, phủ lên từng miếng cá thái nhỏ. Món ăn này ăn kèm với nhiều loại gia vị như lá sung, lá ổi, đinh lăng, lá mơ, khế chua, lá vọng cách… chấm với nước chấm đặc biệt có gừng, tiêu, ớt, sả. Thực khách cũng có thể gói trong bánh tráng, ăn rất ngon, mùi vị hài hoà, vừa miệng, đặc biệt cảm nhận rõ vị của cá tươi. Trong chuyến khám phá Ninh Bình, bạn có thể tìm thấy món ăn khá dễ dàng ở các nhà hàng, đặc biệt là ở huyện Kim Sơn.
2. Ốc núi
Nếu như ở nơi khác bạn chỉ được thưởng thức ốc ở biển, sông… thì khi đi Ninh Bình, bạn sẽ được thưởng thức một loại đặc sản cực kỳ độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Đó là loại ốc sống trong các hang đá, núi đá vôi. Khu vực có nhiều ốc núi nhất là dãy núi vôi ở Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan và Hoa Lư. Bắt ốc núi cũng không đơn giản bởi chúng chỉ ra khỏi hang theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Vậy ốc núi khác gì ốc biển? Điểm mấu chốt nằm ở hương vị. Ốc núi dai, giòn, ngọt và có mùi đặc biệt, gần giống mùi thuốc bắc, hay vì mùi nồng vị biển. Ốc núi có kích thước không lớn, có thể nấu thành nhiều món ăn ngon như các loại ốc khác. Trong đó có ốc nướng, xào me, hấp gừng, luộc, gỏi… Nhưng với hương vị nguyên chất đã rất ngon thì bạn chỉ cần gọi một bát ốc hấp cũng đã đủ đã đời rồi.
3. Thịt dê
Có lẽ không đâu ở Việt Nam bạn có thể thưởng thức thịt dê ngon và được chế biến thành nhiều món ăn như ở Ninh Bình. Thịt dê ở đây được nuôi thả, chạy nhảy trên các ngọn núi đá nhiều nên thịt săn chắc. Các đầu bếp có kinh nghiệm cũng chế biến thịt dê khéo léo để hết mùi đặc trưng. Thực khách khám phá Ninh Bình sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món làm từ thịt dê như nem dê, dê hấp, dê nướng, dê tương vừng, lẩu dê… Trong số đó nổi tiếng nhất phải kể đến dê tái chanh.
Thịt dê tươi được chọn có cả thịt và lớp da dày sần sật, thái mỏng, nhúng qua nước sôi cho chín tái, sau đó bóp với nước cốt chanh, riềng, lá chanh, tỏi, ớt, vừng… Món ăn không thể thiếu chuối xanh, sả, quả sung và chấm với loại tương bần đặc trưng ở mảnh đất cố đô. Vị thịt ngọt, quyện với vị chua của chanh, kết hợp với các loại gia vị rất hài hoà, ăn một lần nhớ mãi.
Thịt dê rất bổ dưỡng, có tác dụng tốt với sức khoẻ, chữa được nhiều loại bệnh. Do là đặc sản của cả tỉnh nên ở bất kỳ nhà hàng nào, bạn cũng có thể gọi các món làm từ thịt dê nhưng ngon nhất là khu vực Hoa Lư.
4. Cơm cháy
Cơm cháy không phải món ăn truyền thống của tỉnh mà mới được lưu truyền khoảng vài chục năm gần đây ở Ninh Bình. Khác với cơm cháy miền Nam, ở đây có 2 loại cơm cháy. Một loại tẩm sẵn gia vị, chiên với ruốc, mắm mỡ hành, tôm, ớt băm. Loại này khá quen thuộc ở nhiều địa phương.
Nhưng ở Ninh Bình có loại cơm cháy độc đáo hơn. Phần cơm dính dưới đáy nồi thành từng tảng lớn được phơi khô ngoài nắng, sau đó chiên ngập trong dầu để hạt gạo căng phồng, giòn tan. Nhưng thay vì tẩm ướp gia vị, người ta chế biến thêm một loại nước sốt đi kèm làm từ thịt dê, hương vị ngọt đậm độc đáo, ăn tới đâu chấm tới đó.
Du khách đi Ninh Bình có thể mua cơm cháy ở bất cứ đâu quanh các địa điểm du lịch nổi tiếng như Bái Đính, Tràng An, Hoa Lư… ăn tại chỗ hoặc mua về đều rất tiện.
5. Xôi trứng kiến
Trứng kiến không chỉ là đặc sản của vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên mà ngay ở vùng núi đá vôi Nho Quan (Ninh Bình), thực khách cũng có thể thưởng thức món xôi trứng kiến “mới nghe tên đã thấy rờn rợn". Trên thực tế, đây là một món ăn ngon và an toàn mà bạn có thể nếm thử ngay cả lần đầu đi Ninh Bình
Trứng kiến được chọn của loài kiến nâu, làm tổ trên ngọn cây ở vùng núi đá vôi lởm chởm, hương vị béo ngậy. Mùa trứng kiến không dài, khoảng tháng 2 âm lịch. Trứng được mang về, đãi trong nước ấm, ướp muối rồi phi hành khô, mỡ gà cho dậy mùi thơm rồi gói trong lá chuối ngự. Xôi nếp nấu chín thơm thì cho trứng kiến vào đảo đều cho hạt xôi quyện với trứng kiến. Món ăn vừa lạ vừa quen, hấp dẫn vô cùng.
6. Cá chuối
Trong chuyến khám phá Ninh Bình, bạn chắc chắn không thể bỏ qua địa danh đầm Vân Long - điểm chụp ảnh yêu thích của không chỉ phượt thủ mà còn của các đôi uyên ương. Nhưng ngoài cảnh đẹp thì ít ai biết rằng danh thắng này còn có một đặc sản quý đó là cá chuối đầm Vân Long.
Những con cá được đánh bắt ở hang Cá có thân to tròn, sống chủ yếu trong các hang động ngập nước. Thịt cá chắc, ngọt, ngon nhất là nướng ngay sau khi vừa bắt được. Thông thường, người ta chỉ làm sạch ruột rồi nướng, ít khi tẩm ướp gia vị vì sẽ làm mất đi mùi vị nguyên bản của món ăn. Khi thưởng thức chấm cùng nước chấm hoặc cuốn bánh tráng ăn kèm.
Ăn và chơi là hai nhiệm vụ không thể tách rời trong chuyến khám phá Ninh Bình. Hãy mau lưu lại các món ăn trên và truy cập vào Yeudulich để tìm hiểu thông tin, đặt tour giá rẻ đến miền đất phong cảnh hữu tình, món ăn “ngập miệng" này nhé.
7. Bún chả quạt
Bún chả nổi tiếng ở Ninh Bình là bún chả quạt. Người ta bảo, muốn ăn bún chả quạt ngon thì nhất định phải về với mảnh đất cố đô này, bởi hiếm có nơi nào làm món bún chả như vậy, và càng hiếm nơi làm được bún chả quạt ngon.
Chẳng biết món ăn này có từ bao giờ, do ai nghĩ ra, chỉ biết, cứ về Ninh Bình chơi, người ta lại chỉ bạn đi ăn món ăn này. Cùng là bún chả thôi mà, có gì khác để mà "nhất định phải thử" chứ? Thế nhưng quả thật, món bún chả quạt có rất nhiều điểm khác biệt mà bạn không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức.
Sự khác biệt nằm ở chính miếng chả. Nếu bún chả Hà Nội là những miếng chả viên, chả từ thịt ba chỉ, thì bún chả Ninh Bình lại có cách làm chả rất khác. Thịt băm và tẩm ướp theo bí quyết riêng thật đậm đà, rồi cho cả vào vỉ, nướng nguyên một miếng to trong vỉ kẹp sắt chứ không nắn thành miếng nhỏ. Chả nướng vàng xém cạnh nhưng không hề bị khô, trông đến là hấp dẫn.
Bún chả quạt thường ăn với bún lá cắt miếng chứ không phải bún rối như ở Hà Nội. Nước chấm pha chua ngọt, cũng thêm dưa góp muối giòn nhưng nhờ sợ kết hợp với chả và bún thật đặc biệt nên ăn rất khác bún chả Hà Nội.
8. Bánh đa cá rô
Thêm một quán ngon Ninh Bình mà nhất định bạn phải thưởng thức khi ghé tới đây chính là món bánh đa cá rô. Ở vùng ven đồng chiêm trũng Ninh Bình có rất nhiều cá rô đồng chính vì vậy mà người dân nơi đây đã tận dụng để chế biến ra món bánh đa cá rô vô cùng hấp dẫn.
Thịt cá rô được lọc xương, trộn cùng các loại gia vị như muối, tiêu sau đó rim cùng nước mắt và hành khô cho thịt được đậm đà. Một bát bánh đa cá rô ăn sẽ được kèm cùng với rau cải và chả cá thơm ngon. Canh bánh đa cá rô không bị ngán, dễ tiêu hóa nên ăn vào mùa nào cũng hợp. Cái ngọt thơm từ nước xướng, từ thịt cá, từ vị gạo bánh đa, từ cái mát của rau gia vị tao nên hương vị lạ thường. Nếu như bạn đã được thưởng thức hương vị của bát bánh đa này thì chắc chắn thấy vô cùng hấp dẫn đó!
9. Canh chua cá rô
Một đặc sản nổi tiếng cũng từ cá rô mà dân dã của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình không thể bỏ qua đó chính là món canh chua cá rô.
Canh cá rô nấu chua thì ở đâu chả có nhưng canh chua cá rô ở Ninh Bình thì lại được xem như là một món đặc sản. Bởi lẽ, những con cá rô để nấu canh phải được bắt từ Tổng Trường – một vùng đất nổi tiếng với nhiều hang động. Tổng Trường trước là tổng Trường Yên (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), nơi đây có loại cá rô to và béo.
Cá rô Tổng Trường phải được nấu với dưa chua. Canh chua nhưng không hẳn là chua mà nó có vị chua chua của dưa chua, cà chua; có vị ngọt ngọt, bùi bùi của cá rô; vị béo ngậy, thơm giòn của đậu phụ. Tất cả như cùng hoà quyện vào nhau làm thành cái hấp dẫn của món đặc sản này.
Xem qua về cách nấu, bạn có thể thấy để nấu một bát canh chua cá rô kiểu Ninh Bình thì không khó. Nhưng liệu nó có mang đậm hương vị quê hương Ninh Bình hay không mới là điều quan trọng.
Chính vì thế, nếu có cơ hội ghé thăm Ninh Bình, bạn đừng bỏ lỡ món ăn này nhé!
10. Miến lươn
Cũng chỉ làm từ miến và lươn nhưng miến lươn gia truyền ở Ninh Bình lại ngon nổi bật, khác biệt với những vùng miền khác bởi nước dùng làm từ xương lươn, ninh cùng xương ống thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên. Cũng nhờ vậy, khi bát lươn được bưng ra thấy nước dùng màu nâu đậm, đặc sánh vô cùng ngon mắt, đậm miệng. Thịt lươn lại được rim theo công thức riêng nên khi ăn thấy lươn thơm, béo ngọt mà không hề có mùi tanh.
Điểm khác biệt nữa là miến lươn Ninh Bình còn được ăn kèm với hoa chuối bánh tẻ, thái sợi còn tươi nguyên cùng một số loại rau khác. Ngoài ra miến cũng cần chọn loại được chế biến từ củ dong ta nguyên chất, không pha tạp, có sợi nhỏ đều, trong suốt. Miến rong đem rửa sạch trần sơ qua nước sôi, rồi nhúng lại vào nồi nước cho miến nở, thấm đượm hương thơm vị đậm đà của nước dùng rồi cho vào bát.
Miến lươn Bà Phấn là quán miến lươn hay được các thực khách du lịch Ninh Bình đề cử. Bà được mẹ chồng truyền nghề và trở nên quán ăn ngon nổi tiếng từ những năm 1960 đến tận bây giờ. Bà truyền nghề cho 3 người con trai cuối. Cả 3 nhà hàng của các con Bà Phấn hiện ở liền nhau cùng một vị trí là ngã tư đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, một ngã ra chợ Rồng, một ngã vào Bệnh viện tỉnh.
11. Chim Bình Dũng
Địa chỉ quen thuộc với nhiều khách du lịch khi tới Ninh Bình này thường được gọi với cái tên ngắn gọn là "chim Bình Dũng". Ở quán có rất nhiều món ăn được chế biến từ thịt chim tươi ngon, cách nấu nướng lại khéo léo và tinh tế nên thu hút rất nhiều người.
Mức giá trung bình / người : 100.000vnđ - 500.000vnđ
12. Bún mọc Tố Như
Cũng như tên gọi, bún mọc Tố Như gồm có bún, mọc, nước dùng và thức ăn kèm (rau sống) của nhà hàng Tố Như.
Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn.
Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướp gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.
Bún mọc Tố Như không dùng bát to, cho bún, bỏ mọc, chan nước để ăn như các nhà hàng khác mà các thứ để riêng. Mỗi suất ăn là một đĩa bún, một tô nước dùng có 5 chiếc mọc, một đĩa rau sống. Ăn nhiều ít, thứ gì, đến đâu lấy đến đó. Đủ ăn, đủ dùng theo ý muốn, không gò ép. Đây cũng là cái khác của bún mọc Tố Như.
Muốn mọc chín ngon thì phải thả vào nồi nước sôi chừng 7 đến 10 phút. Khi viên mọc nổi lên trên mặt nước thì phải vớt ra ngay, không được để chín quá sẽ bị dai. Mọc ngon sẽ có màu trắng hồng, trong suốt, ăn vừa miệng và rất mềm.
Nếu như có dịp đến với Ninh Bình bạn hãy thưởng thức lại tô bún mọc tố Như thơm ngon này nhé,chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi và muốn quay lại để ăn thêm lần nữa!
13. Cá kho gáo
Ninh Bình không chỉ nổi danh với món thịt dê, cơm cháy mà còn hấp dẫn thực khách bởi món cá kho gáo độc đáo, lạ miệng. Cá kho gáo vốn là món ăn dân dã nhưng vô cùng nổi tiếng, được rất nhiều người dân Ninh Bình yêu thích.
Nghe qua cái tên cá kho gáo nhiều người lại lầm tưởng là cá kho bằng gáo, nhưng thực chất món cá kho gáo ở đây là kho cá với quả gáo.
Gáo là một loại cây tầm nổi thường mọc ở khe suối hoặc chân đồi, không chỉ có tác dụng làm thuốc mà còn dùng để nấu ăn. Quả gáo có vị chua,hơi ngọt mát và có mùi thơm nên thường được dùng để nấu các món canh chua thay me, sấu tuy nhiên ngon hơn cả là món cá kho gáo – món ăn trở thành đặc sản Ninh Bình mỗi khi nhắc tới món ngon đất cố đô Hoa Lư.
Với hương vị rất đặc biệt, không ngấy mà lại khử được mùi tanh của cá cùng mùi thơm của gáo làm nên một món ăn nổi tiếng đặc sản Ninh Bình. Chế biến món ăn này tuy không khó nhưng cũng cần những bí quyết riêng trong khâu chọn nguyên liệu và cách làm. Món ăn không chỉ trở thành đặc sản được nhiều người biết đến mà còn là niềm tự hào, thể hiện sự tinh tế trong cách nấu ăn của người dân nơi đây.
14. Cua đồng rang lá lốt
Cua đồng rang lá lốt là một món ăn dân dã và phổ biến tại Ninh Bình, mang đậm hương vị đồng quê mà du khách nên thử khi ghé qua đất cố đô.
Cua đồng bắt về được làm cẩn thận, lá lốt rửa sạch thái sợi sau đó hai nguyên liệu chính này được rang chung với nhau theo một công thức nhất định.
Chính vì không sử dụng cua nuôi, từ những con cua đồng béo ngậy cùng lá lốt rửa sạch thái sợi rang giòn tạo nên một hương vị quê nhà đặc biệt, mang đến cho thực khách những ấn tượng khó phai. Đó là vị giòn tan của cua đồng kết hợp cùng vị thơm đặc trưng của lá lốt. Món ăn này ngon nhất khi được kết hợp cùng cơm nóng.
15. Nem chua Yên Mạc
Nhắc đến nem chua, nhiều người thường nghĩ tới Thanh Hóa, nơi nổi tiếng với những chiếc nem thơm ngon. Nhưng nếu có dịp du lịch Ninh Bình, du khách cũng có thể thưởng thức hương vị có phần khác lạ của món ăn này. Nem chua Yên Mạc là đặc sản Ninh Bình, do con gái của quan Thượng thư Phạm Thận Duật là Phạm Thị Thư sáng tạo nên dựa trên món nem chua cung đình Huế triều Nguyễn.
Khác biệt trước tiên là nem Yên Mạc làm từ thịt mông của lợn (heo) thái nhỏ chứ không đem xay nhuyễn như nem Thanh Hóa hay Huế, cũng không đem luộc chín như nem Phùng.
Thịt nạc mông lọc bỏ mỡ, bì lợn luộc, thính và một số gia vị như mì chính, muối,.. sau đó gói lại bằng lá ổi để tạo vị thơm đặc trưng và lá chuối để tạo vỏ ngoài đẹp mắt.
Ăn nem chua Yên Mạc ngon nhất là ăn kèm với các loại lá sung, lá mơ, lá đinh lăng. Tất cả tạo nên một vị tổng hòa thật đặc biệt, rất đắm thắm vị quê hương. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra vẫn rời, tơi, có màu hồng của thịt lợn.
Nếu có dịp thăm phong cảnh hữu tình của Ninh Bình, bạn đừng quên mua đặc sản nem Yên Mạc và rượu Yên Lâm của Kim Sơn. Như một câu thơ lưu truyền:
"Nem Yên Mạc níu chân người
Rượu bầu thơ túi một đời tìm nhau"
16. Bánh trôi Ninh Bình
Nếu nhắc đến đặc sản Ninh Bình mà quên không kể đến món bánh trôi thì quả là một thiếu sót. Vẫn được làm từ bột gạo nhưng bánh trôi Ninh Bình lại khá đặc biệt với phần nhân là sự kết hợp của đường mật, lạc khô giã nhỏ trộn đều với lá cúc mốc.
Lá cúc mốc sau khi hái về được thái nhỏ, ướp cùng đường mật khoảng nửa tiếng cho thấm đều rồi mới cho vào giữa phần bột làm nhân bánh cùng lạc khô giã nhỏ.
Thông thường để bánh có vị thơm nhẹ, không bị ngọt, người nấu sẽ cho thêm một ít lá cúc mốc và hoa bưởi vào nước luộc bánh.
Viên trôi nước to tròn, có mùi thơm của lá cúc mốc lại thêm hương thơm của hoa bưởi, khi ăn bánh có vị ngọt của đường, vị bùi của lạc. Tất cả đã tạo nên một món ăn dân dã làm say lòng biết bao thực khách.
Hy vọng bài viết Tổng hợp các món ngon bắt buộc phải thử khi du lịch Ninh Bình trên đây đã giúp bạn trả lời câu hỏi đi Ninh Bình ăn gì