LTS: “Tuần lễ văn hóa - du lịch Đất Mũi, lễ công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và sơ kết Đề án xây dựng cầu giao thông nông thôn tỉnh Cà Mau hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” sẽ được tổ chức trung tuần tháng 4.2010. ĐMCT giới thiệu những hình ảnh về danh lam thắng cảnh, những món ẩm thực độc đáo nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc đến bạn đọc.
Mắm sặc được thính từ loại gạo rang và cháo nếp, đường mía, trông thật hấp dẫn
Mắm sống, chuối chát cộng với vị cay của ớt hiểm, ăn vào mới thấy đã
U Minh - cái tên mà vừa mới nghe qua, người ta đã có cảm giác “sợ”. Mà thật không sai! Bởi nơi đây từng là nơi “muỗi kêu như sáo thổi/đỉa lềnh tợ bánh canh”. Bù lại, U Minh được trời phú cho cá tôm nhiều vô số. Tôi đã từng hít hà món mắm sặc, thích thú đến không quên nỗi mùi thơm của nó.
Mắm sặc vườn chim U Minh được rất nhiều nhà hàng khách sạn trong và ngoài tỉnh đặt hàng với số lượng lớn
Ngoài những loại cá đồng và mắm, món chim khìa cũng là một món đặc sản mà khách du lịch ưa thích
Đã lâu rồi tôi mới có dịp trở lại U Minh, được thưởng thức một loại đặc sản hiếm nơi nào có được, nếu có thì hương vị cũng khó sánh bằng - đó là mắm cá sặc, do khu du lịch sinh thái vườn chim Anh Quốc chế biến. Theo chị Quốc, cá sặc trong kênh rạch U Minh nhiều lắm. Từ bao đời nay người dân nơi đây đã nghĩ ra cách chế biến cá sặc thành mắm để có thể ăn được thời gian dài... Chị cho biết thêm, để có được một hủ mắm ngon, chị phải lựa mua từng con cá tươi, dùng muối, đường mía và thính (gạo rang vàng, thơm, sau đó xay mịn) ủ qua một năm thì mắm được thơm ngon hơn.
Chị Trần Trung Quốc đang chế biến mắm sặc
Khu du lịch vườn chim U Minh - nơi có món mắm sặc nổi tiếng ở Cà Mau
Khu du lịch sinh thái vườn chim U Minh (thuộc Phân trường II - Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cách thị trấn U Minh gần 10km) có rất nhiều món ăn độc đáo mang đậm hương vị Nam bộ như chim khìa, gỏi ong, cá lóc, cá dầy nướng rơm... Hôm đến đây, được chị đãi nhiều món ngon từ mắm sặc như: mắm chưng, lẩu mắm, mắm trộn chanh ớt ăn cùng cơm nguội, kèm theo mận, ổi, chuối chát... ăn đến quên thôi.
Vào đầu tháng tư, hòa cùng làn gió mang theo hơi mát của dòng sông Cái Tàu, chúng tôi quây quần bên nồi lẩu mắm sặc thơm lừng mà thán phục tài chế biến của vợ chồng anh Trần Trung Quốc. Chị Quốc cho biết, để có một lẩu mắm cá sặc ngon, phải biết kết hợp các nguồn thực phẩm, như cá lóc, cá rô đồng, lươn... Ăn kèm theo các loại rau rừng: đọt choại, nhãn lồng, bông súng, ngò gai, ngò om, rau muống, rau ngổ, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối... Mỗi loại rau có hương vị riêng, như vị chát của bắp chuối, thơm ngọt của rau om, bùi bùi của đọt choại... Tuy nhiên, để vị ngon của lẩu mắm thấm vào tận cùng vị giác thì không thể thiếu thứ ớt hiểm thật cay mà khi ăn phải hít hà, ra nước mắt mới “đã”.
Có phải nguyên cớ về U Minh, ai cũng vui, ai cũng mến khách hay do những loại mắm sặc, đã được người dân nơi đây chế biến thành lẩu mắm đồng quê đã làm tôi cảm thấy trong lòng đau đáu niềm thương nhớ về đất rừng phương Nam này.
Ngày nay U Minh không còn dễ sợ như trước, vậy mà về đây, ta như vẫn còn nghe thấy hơi thở hồng hoang của một thời cha ông đi mở cõi. Được ôm ấp trong tiếng cười vui thăm hỏi chân thành của người dân, sự ấm áp và trìu mến của tình đất, tình người U Minh đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều lưu luyến!
Nguồn : Báo Ảnh Đất Mũi