Sớm nay, cái rét đầu đông đã tràn về Hà Nội. Gió và sương mù phả vào mặt người đi đường. Lạnh buốt. Ngồi nhâm nhi bên bát phở nóng ăn kèm với rau sống, tôi chợt nhớ đến những ngọn húng Láng non tơ mơn mởn và thơm dịu, thứ rau ăn kèm với phở, chả cá, thịt cầy, cháo lòng và tiết canh khi mùa đông đến.
|
Rau húng Láng được trồng trên những thớ đất tơi xốp - Ảnh: Tiến Thành |
Từ rất lâu người Kẻ Láng đã tự hào rằng:
Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta là Kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thì là, cải cúc, đủ mùi hành hoa...
Thật vậy, vùng đất Láng (nay là phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) vốn nức tiếng về các loại rau thơm. Sử tích chép Láng là tên Nôm của xã Yên Lãng, một làng cổ bên thành Thăng Long xưa. Năm Đại Tự thứ năm (1362), vua Trần Dụ Tông đã đưa gia nô ra Láng khai khẩn đất đai bên bờ sông Tô Lịch, trồng rau thơm và hành tỏi để dùng trong cung cấm và đặt tên nơi đây là vườn tỏi. Bởi vậy theo dòng chảy của lịch sử, rau thơm Láng (đặc biệt là rau húng) đã trở thành thứ gia vị bậc nhất của đất kinh kỳ.
Chả thế người Hà Nội đã không hết lời ca tụng:
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Hành hoa, húng Láng, còn gì ngon hơn.
Cụ Sói, người làng Láng trồng rau húng đã trên 50 năm, bảo: “So với các loại rau húng nơi khác thì rau húng Láng có mùi đặc trưng. Vị nó dìu dịu man mác, không cay; lá thường nhỏ và không có răng cưa”. Húng Láng có ba loại chính là rau húng thơm màu tía, ngọn lá nhỏ, ăn kèm với rau sống và các món ăn như phở, chả cá... Loại húng lũi, húng dồi ăn với lòng lợn, tiết canh, thịt cầy.
Để chuẩn bị cho một mùa rau húng bội thu, hằng năm cứ đến tháng 7 âm lịch người ta lại gieo mầm húng, đến tháng 10 thì đào mầm, cắt từng khúc nhỏ và ươm xuống đất. Với thứ đất tốt, mịn và tơi xốp như đất Láng thì chỉ sau hai ba ngày ươm mầm, rau húng sẽ mọc lá non và vươn cao.
Cũng theo lời cụ Sói, công chăm bón cây rau húng hết sức tốn kém và vất vả. Mùa hạ cần năng tưới nước, mùa đông năng nhặt cỏ. Rồi bón phân tro cho đất, nhặt sỏi đá lẫn trong đất. Nói chung, không ngày nào người trồng húng nghỉ tay chăm bón cho đất, cho cây.
Vì vậy, những bó rau húng Láng bé nhỏ, xanh mơn mởn sau khi được thu hoạch bao giờ cũng chiếm được cảm tình của thực khách. Có gì lạ đâu vì nó vốn được kết tinh từ những giọt mồ hôi, nước mắt và từ những tháng ngày một nắng hai sương của người Kẻ Láng. Một thứ rau như vậy thật đáng để ta thưởng thức.
Đứng giữa khoảnh đất bé nhỏ còn sót lại để trồng rau thơm, húng Láng, tôi bỗng xót xa, đau đáu về hệ quả của cơn lốc đô thị hóa đã và đang cuốn đi ruộng đất cùng những luống rau húng quý hiếm. Than ôi, húng Láng rồi sẽ đi đâu, về đâu?
Nguồn : Tuổi Trẻ