Ngay tại thủ phủ miền Tây, thực khách có thể tìm ăn những món nổi tiếng của xứ chùa Vàng như gỏi, lẩu Thái, xôi xoài...
Vùng sông nước Cần Thơ vốn nổi tiếng với các món ăn như bún nước lèo, lẩu mắm và các loại bánh ngọt, nhưng không vì thế mà thiếu đi hương vị của những món ăn quốc tế. Tại đây, thực khách vẫn có thể trải nghiệm nền ẩm thực Thái Lan với đủ món, đủ hương vị chua cay ngọt đặc sắc. Ảnh: Hải Trần
Hủ tiếu xào (Pad Thái) là món ăn nổi tiếng của nền ẩm thực Thái Lan, cách chế biến không quá phức tạp và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Sợi hủ tiếu dùng trong pad Thái gần giống với hủ tiếu mềm của Việt Nam nhưng nhỏ hơn, cọng dẹt, không dai, được xào chung với giá, hẹ, trứng, thịt bằm và nước sốt đặc trưng của người Thái, sau cùng bỏ thêm mực và tôm lên trên. Ảnh: Hải Trần
Pad Thái cũng có thể dùng ăn chay bằng cách xào với nấm và các loại rau củ. Khi ăn, thực khách vắt thêm chanh, cho một ít ớt bột sau đó trộn đều là có ngay một đĩa pad Thái đủ vị chua, cay, ngọt. Ảnh: Nguyễn Thu Hằng
Mực sốt Thái là sự kết hợp giữa mực xào dai giòn và nước sốt đậm vị chua cay. Phần mực cắt nhỏ được tẩm ướp gia vị, xào bơ rồi nhồi vào những con mực còn nguyên, cố định bằng tăm nhỏ và nướng trên bếp ở nhiệt độ cao. Sốt Thái là thành phần không thể thiếu của món ăn, được tạo thành từ hỗn hợp bơ, đường, giấm ăn, nước mắm, ớt xắt và hành lá, rưới lên mực đã nướng, khi ăn có thể vắt thêm chanh. Ảnh: Hải Trần
Lẩu Thái (Tomyum) của xứ chùa Vàng có vị ngọt béo từ nước cốt dừa hòa cùng hương vị chua nhẹ, cay nồng, thơm thơm của sả và lá chanh Kaffir. Đặc biệt không thể thiếu nguyên liệu chính là tôm dùng kèm với bún trên bếp lửa, rất lý tưởng để thưởng thức cùng gia đình và bạn bè vào những ngày mưa. Thông thường, lẩu Thái sẽ được giảm bớt vị cay để phù hợp với khẩu vị của khách Việt. Ảnh: Hải Trần
Xôi xoài Thái Lan có thành phần gồm gạo nếp, xoài tươi và nước cốt dừa. Đây là món ăn truyền thống của người Thái, sử dụng giống xoài Thanh Ca, với thịt quả vàng tươi, thơm ngon, chắc mịn và ít xơ. Xôi được hấp cùng hỗn hợp nước cốt dừa và lá dứa tạo ra hương vị béo ngọt, có mùi thơm nhẹ. Đặc biệt, xôi xoài Thái Lan không ăn với đậu phộng mà ăn cùng đậu xanh rang lên, rắc trên bề mặt, ăn kết hợp với nước cốt dừa. Ảnh: Hải Trần
Gỏi đu đủ Thái (Som tum) có đa dạng món như gỏi đu đủ trứng muối, gỏi đu đủ trứng bắc thảo, gỏi đu đủ tôm khô... Nhưng nhắc đến đặc trưng của xứ sở chùa Vàng thì người ta thường nhớ đến gỏi đu đủ ba khía, với vị cay tê đầu lưỡi của ớt cộng hưởng với chút chua chua của chanh và vị mặn của mắm Thái. Đặc biệt, chất mằn mặn và béo béo của thịt ba khía muối góp phần làm nên thương hiệu món gỏi nổi tiếng này. Ba khía cũng được biết đến là món ăn dân dã nổi tiếng của vùng sông nước Cần Thơ. Ảnh: An An
Yến Nhi - Hải Trần