Ẩm thực Bình Định hội tụ bao hương vị thơm ngon, từ hải sản tươi ngon tới những món ăn đặc sản đậm vị địa phương và thể hiện được nét đẹp cần cù, nghĩa tình của người dân xứ này. Nếu có dịp đến Bình Định lần tới, bạn hãy nếm thử món bánh ít lá gai nhé!
Bánh ít không phải thức quà của riêng Bình Định, tuy xuất hiện ở nhiều nơi trên dải đất chữ S nhưng hiếm có nơi nào, bánh ít được làm ra bằng tất cả tình yêu thương và mang hương vị đặc trưng như nơi này. Người dân Bình Định với bánh ít như hình với bóng, người ta ăn chơi, cũng có thể dùng làm quà biếu, trên mâm cỗ cúng tổ tiên vào những ngày đặc biệt cũng không thể thiếu màu xanh của bánh ít lá gai.
MÓN BÁNH CẦU KỲ HIẾM NGƯỜI BIẾT LÀM
Ở Bình Định, người ta không gọi những người làm ra bánh ít là thợ làm bánh, họ được trân trọng gọi bằng danh xưng “nghệ nhân”. Nói như vậy để hiểu rằng làm ra bánh ít đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm lâu năm và sự tỉ mẩn trong từng công đoạn.
Bánh ít gồm có 3 phần chính: Lá gai, vỏ bánh nếp và nhân.
Những gia đình sản xuất bánh gai có tiếng ở Bình Định không bao giờ sử dụng lá gai mua ở chợ, họ thường tự trồng lá gai ở sau vườn nhà. Những cây lá gai với thân mảnh, lá to và sờ hơi nhám tay, có màu xanh và không có mùi gì đặc biệt. Sau khi thu hoạch, người ta nhặt riêng phần lá, luộc và sử dụng để trộn cùng nếp.
Vỏ bánh là điều làm nên đặc trưng và sự nổi tiếng của bánh ít. Lớp vỏ bánh được làm từ nếp tươi được xay nhuyễn bằng cối đá truyền thống, trộn với lá gai. Vỏ bánh có màu xanh đen đặc trưng vô cùng bắt mắt và độ dẻo quyện đã miệng.
Phần nhân bánh có vị ngọt từ đậu xanh và dừa sợi. Đậu xanh được những nghệ nhân ngâm qua đêm cho nở, phần cơm dừa được nạo trực tiếp từ trái dừa tươi. Vậy nên bánh ít làm thủ công bao giờ cũng giữ được hương vị nguyên bản của những nguyên liệu làm ra nó.
Thoạt nghe thì tưởng như đơn giản nhưng các công đoạn làm bánh ít vô cùng tốn thời gian. Từng bước nhỏ nhặt như nấu lá, xay nếp cũng đã tốn cả một buổi sáng dài. Để làm nên một mẻ bánh nếp, những nghệ nhân Bình Định phải thức giấc từ sáng tinh mơ và chỉ nghỉ ngơi sau khi đã hấp xong bánh trên bếp củi.
THỨC QUÀ DÂN DÃ THƠM NGON
Bánh ít quả thực rất bắt mắt, dù là người không hảo những thứ bánh quê dân dã thì cũng không khỏi trầm trồ khi nhìn từng hàng bánh ít đều tăm tắp. Bánh ít được gói thành hình tam giác xinh xắn trong lá chuối xanh rờn. Mở phần lá ra, thực khách như đi vào cuộc khám phá những hương vị và cảm giác thăng hoa khi cắn vào một miếng bánh ít.
Phần vỏ bánh dẻo, dai, thơm mùi ngọt tự nhiên và bùi bùi của nếp cực kỳ đưa miệng. Đằng sau lớp vỏ xanh lộ ra phần nhân vàng rực rỡ như ánh nắng, vừa có độ mềm của đậu, vừa có chút sần sật vui miệng của dừa sợi. Bánh ít dùng để ăn chơi chứ không phải ăn no vậy mà vô cùng gây thương nhớ, khiến thực khách gần xa cứ không ngừng thương nhớ.
Cầu kỳ là vậy mà giá mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 3.000 – 4.000 đồng. Ghé Bình Định, đừng quên mang về chục chiếc bánh ít lá gai, vừa để ủng hộ những nghệ nhân chân chính, vừa góp phần gìn giữ những món ngon cổ truyền của dân tộc.
Ảnh: Internet
Theo Wanderlust
Sưu tầm: Ngô Diệp