Trải qua gần 200 năm với đủ thăng trầm của thời cuộc, hương vị của những chiếc bánh trung thu truyền thống ở Xuân Đỉnh vẫn nguyên vẹn như ký ức của bao người. Thứ hương vị đặc trưng ấy vẫn luôn khiến bao người nhớ quay quắt để mỗi mùa Trung Thu về lại chộn rộn tìm mua cho mâm cỗ trông trăng thêm trọn vẹn.
Nhắc đến làng nghề bánh trung thu truyền thống ở Hà Nội, hẳn rằng cái tên Xuân Đỉnh sẽ hiển hiện trong suy nghĩ của nhiều người, đây là một trong những cái nôi của nghề làm bánh trung thu của Việt Nam. Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 7, tháng 8 âm lịch không khí tại làng nghề bánh trung thu Xuân Đỉnh lại trở nên rộn ràng với những âm thanh lộp cộp của khuôn bánh khi được gõ va vào nhau hay mùi hương ngào ngạt của nếp, cốm và mùi thơm đặc trưng của những chiếc bánh trung thu mới ra lò.
Xuân Đỉnh là làng nghề làm bánh Trung Thu nổi tiếng.
Ngôi làng làm bánh Trung thu gần 200 năm tuổi ở ven đô
Không ai biết làng nghề bánh trung thu Xuân Đỉnh có từ bao giờ, chỉ biết món bánh trung thu từ ngôi làng này cũng như nhiều sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng khác của đất nước đã trở thành vật chứng cho một giai đoạn lịch sử rất dài. Trong ký ức của những bậc cao niên, chiếc bánh Trung Thu ở Xuân Đỉnh dường như cũng phản chiếu cả một bề dày lịch sử của đất nước.
Làng nghề Xuân Đỉnh có lịch sử đã gần 200 năm.
Những mùa trăng cũ trong ký ức của các bậc cao niên làng Xuân Đỉnh, là những năm tháng chiến tranh ác liệt người ta vẫn duy trì thói quen làm bánh mỗi dịp Trung Thu hay những năm kinh tế mở cửa những chiếc bánh Trung Thu đã trở thành hiện thân cho sự giàu có của không ít gia đình. Rồi thời cuộc thay đổi, khi cơn lốc của những chiếc bánh Trung Thu công nghiệp ập đến, khi không còn nhiều người mặn mà với chiếc bánh Trung Thu truyền thống, người dân làng Xuân Đỉnh vẫn miệt mài giữ lửa, duy trì nghề truyền thống như một nét văn hóa đẹp của quê hương.
Chiếc bánh Trung Thu Xuân Đỉnh là hiện thân của văn hóa ẩm thực truyền thống.
Ở Xuân Đỉnh có nhiều gia đình theo nghề làm bánh trung thu truyền thống, trong đó gia tộc họ Đỗ được xem là gia tộc khởi nguồn và cũng là gia tộc lưu giữ và duy trì nghề làm bánh Trung Thu lâu nhất làng. Nghề làm bánh của gia tộc họ Đỗ làng Xuân Đỉnh đã trải qua 4 đời, từ năm 1902 đến nay.
Làng bánh trung thu Xuân Đỉnh - nơi lưu giữ nguyên vẹn hương vị truyền thống
Ở làng nghề bánh trung thu Xuân Đỉnh có nhiều gia đình vẫn lưu giữ những công cụ làm bánh được lưu truyền từ xưa và coi đó như là một trong những bãi vật truyền thống được truyền qua bao thế hệ. Những chiếc bánh Trung Thu Xuân Đỉnh không còn xa lạ với người dân Miền Bắc bởi nó đã trở thành thứ hương vị quen thuộc nhất định phải có mỗi mùa trăng.
Những chiếc bánh trung thu Xuân Đỉnh đã rất quen thuộc với người Hà Thành mỗi mùa trăng.
Bánh trung thu của làng Xuân Đỉnh hoàn toàn khác biệt so với các loại bánh công nghiệp trên thị trường. Điều làm nên nét riêng đặc biệt đến từ sự tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu cho đến công đoạn sơ chế, làm bánh và đúc khuôn. Gạo nếp để làm bánh phải là loại gạo ngon nhất đem vo sạch ngâm từ 3 đến 4 tiếng đến khi hạt gạo se thì mang vào rang. Gạp sẽ được rang với cát ở mức nhiệt 300 oC cho đến khi hạt gạo rộp lên trên nền cát. Việc kiểm tra gạo đạt hay chưa phụ thuộc chủ yếu vào cảm quan và kinh nghiệm của người làm bánh.
Nguyên biệu làm bánh được tuyển rất kỹ
Bột được nhào kỹ với công thức riêng. Ảnh: Zing
Nhân bánh cũng được làm vô cùng cầu kỳ, mỗi thành phần phải được cắt vừa vặn, thịt mỡ, bí, lạp xưởng… vẫn được được giữa nguyên chứ không xay nhuyễn như bánh công nghiệp. Nhân bánh gồm mười mấy vị nhưng khi ăn tất cả sẽ quyện lại tạo nên thức hương vị rất riêng của bánh trung thu cổ truyền. Bánh Trung Thu truyền thống có 2 vị chủ đạo là thập cẩm và đậu xanh, sau này có thêm nhận xá xíu, gà quay, dăm bông.
Nhân không hề bị say nhuyễn.
Nhân bánh thập cẩm được vo tròn trước khi tạo hình
Bánh được tạo hình với khuôn tạo hoa văn.
Bánh trung thu truyền thống có 2 loại nhân chính.
Đặc biệt, để bắt kịp với nhu cầu hiện đại, một số hộ đã làm thêm các loại nhân khoai môn, sầu riêng, trà xanh, ca cao… tạo nên sự đa dạng cho chiếc bánh Trung Thu truyền thống và cũng giúp du khách du lịch Hà Nội có thêm nhiều sự lựa chọn. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu người ta sẽ nặn và tạo hình cho bánh với khuôn có hoa văn đa dạng. Ở làng nghề bánh trung thu Xuân Đỉnh tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu đến khi tạo hình, nước bánh đều rất cầu kỳ, cũng bởi vậy mà mỗi chiếc bánh trung thu tại đây đều được coi như một nét tinh hoa của ẩm thực truyền thống.
Những chiếc bánh thơm phức sau khi nướng.
Thực khách tìm đến làng nghề Xuân Đỉnh để mua bánh mỗi mùa trăng.
Ngày nay, những chiếc bánh trung thu truyền thống đang chịu áp lực bởi sự cạnh tranh gay gắt từ các loại bánh công nghiệp, bánh homemade, handmade. Thế nhưng, người người làm Trung thu ở Xuân Đỉnh tin rằng, thứ hương vị truyền thống đã được gìn giữ qua hàng trăm năm sẽ luôn níu chân thực khách như câu chuyện dù đi đâu thì người ta cũng sẽ luôn nhớ về nguồn cội và tin rằng trong nhiều mùa trăng nữa, làng nghề bánh Trung Thu Xuân Đỉnh sẽ vẫn luôn đỏ lửa và là nơi lưu giữ hương vị những chiếc bánh cổ truyền thông thể thiếu cho mâm cỗ đoàn viên thêm trọn vẹn.
Hồng Thọ
Theo Báo Thể Thao Việt Nam