Vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, người Huế thường xuýt xoa nhắc đến món gỏi “thanh trà”sao mà thơm, thanh, thích hợp trong cái tiết Thu hanh hao…
Dĩa gỏi thanh trà và hải sản tươi sống hấp dẫn
"Nắng tháng Tám rám trái bòng", ngoài đường phố đã thấy bày bán bưởi, bòng và thanh trà, nhiều nhất vào đầu tháng 8, bọn trẻ hớn hở sắp đón Trung thu. Người lớn cúng rằm tháng 7, trên bàn thờ tổ tiên, mâm ngũ quả thường có trái bưởi, trái thanh trà ở giữa rất đẹp mắt. Ở Huế, xưa nay, các nhà vườn ở một số làng ven sông Hương, sông Bồ hay sông Ô Lâu thường trồng các giống cây ăn trái này.
Theo kinh nghiệm của nhà vườn “bưởi hay thanh trà đầu mùa ăn chưa ngon. Bao giờ bắt đầu có những cơn mưa tắm gội, thì giống này ăn mới ngọt thanh, bóc ra thấy múi tép nó mọng nước”. Ăn hoài ăn mãi nhưng đôi khi vẫn có người nhầm lẫn bưởi với thanh trà. Cách phân biệt bưởi và thanh trà bằng mắt, nhìn bên ngoài vỏ bưởi thường màu trắng, vỏ thanh trà màu vàng. Trái lại nếu bóc ra, múi tép thanh trà màu trắng trong, còn múi bưởi thì màu vàng hoặc đỏ hồng, giá thanh trà đắt hơn bưởi.
Làng Thủy Biều (Tp. Huế) được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “thanh trà” vào năm 2008. Đến năm 2014, thanh trà Thủy Biều đã lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam; là một trong 5 đặc sản của Thừa Thiên Huế xác lập kỷ lục châu Á. Hiện nay thanh trà được nhà vườn trồng theo hình thức chuyên canh cây đặc sản. Từ Thủy Biều sau đó mở rộng ra đến xã Phong Thu (huyện Phong Điền), phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy).
Chuẩn bị nguyên liệu chế biến món gỏi thanh trà
Thanh trà ngon là những trái vỏ mỏng, bóng mượt, màu hanh vàng. Thanh trà có thể để trên cây vài ba tháng, càng lâu, càng ngọt, hương vị đậm đà. Những món ăn được người Huế chế biến gỏi từ thanh trà có thể kể là ram cuốn (nem), đặc biệt nhất là gỏi mực khô trộn thanh trà.
Để chế biến gỏi người ta nướng mực bằng rượu, rồi xé tơi thành sợi nhỏ, cho vào chảo đảo qua; tiếp đó mới cho những tép thanh trà đã tách rời vào trộn đều tay. Múc ra dĩa, khi ăn với nước mắm chanh, ớt, tỏi. Không mực khô thì đơn giản hơn, người ta rang những con khuyết khô (có nơi gọi là con ruốc) trộn cùng với thanh trà cũng khá ngon.
Gỏi thanh trà mùi vị vừa chua vừa ngọt thơm, ăn cùng bánh tráng hay bánh phồng tôm. Cái ngon từ những tép thanh trà mọng nước, vị ngọt từ con khuyết hay mực khô, hòa quyện với mùi vị diếp cá, rau quế. Ngày rằm hay mùng 1 âm lịch, muốn đổi vị, thích ăn chay thì làm gỏi thanh trà với đậu phụ, nấm đùi gà, cà chua cũng thơm ngon không kém.
Vũ Hào