Croissant hay bánh sừng bò có nguồn gốc từ Áo chứ không phải ở Pháp như nhiều người nghĩ.
Du khách đến Pháp chắc không ai không thử một chiếc bánh croissant, hay được biết đến với tên gọi "bánh sừng bò", có bán tại bất kỳ một tiệm bánh ngọt, quán cà phê nào. Chiếc bánh giòn tan và nhiều lớp, nịnh khách với mùi bơ thơm, ngập tràn trong khoang miệng. Tên tiếng Pháp phát âm dễ bị nhầm lẫn, cộng với độ phổ biến của nó tại đất nước này đã khiến nhiều du khách lầm tưởng loại bánh này có nguồn gốc từ Pháp, song trên thực tế nó có nguồn gốc từ Áo, trải qua hành trình dài để trở thành niềm tự hào của ẩm thực Pháp đương đại.
Croissant hay bánh sừng bò là một trong những biểu tượng du lịch của nước Pháp. Ảnh: @so_geelicious/Instagram
Bánh croissant hiện tại được lấy cảm hứng từ loại bánh kipferl của Áo. Kipferl là một loại bánh nướng hình trăng lưỡi liềm, có nhiều bơ, đôi khi thêm đường và hạnh nhân. Theo truyền thuyết, kipferl xuất hiện từ năm 1683 trong lễ kỷ niệm chiến thắng của người Áo trước đội quân Ottoman trong cuộc bao vây Vienna. Một người thợ làm bánh thức dậy từ rất sớm, nghe thấy tiếng đội quân Ottoman đang đào hầm bên dưới, đã báo động cho toàn thành phố. Hình dạng cong của kipferl được cho là mô phỏng hình trăng lưỡi liềm trong lá cờ của Ottoman và chiếc bánh để tri ân người thợ làm bánh đã phát hiện quân địch kịp thời và tinh thần bất khuất của thành phố chống lại được một thế lực xâm lược hùng mạnh.
Bánh kipferl được xem là tiền thân của croissant. Ảnh: HeikeRau/iStock
Sau đó, truyền thuyết cho rằng bánh kipferl lần đầu tới Pháp nhờ vương hậu Marie-Antoinette, người được sinh ra ở Vienna. Vì quá nhớ món bánh của người Áo, bà đã yêu cầu những người thợ làm bánh tại Pháp tìm hiểu và tạo ra những chiếc bánh sừng bò chỉ để phục vụ mình. Lịch sử ghi nhận một doanh nhân người Áo tên là August Zang, đã mở tiệm bánh kiểu Vienna đầu tiên tại Paris vào năm 1838. Bằng tài tiếp thị qua quảng cáo trên báo và các khung cửa sổ, người dân Paris đã nhanh chóng đổ xô đến tiệm bánh của ông để nếm thử bánh mì kaiser và kipferl. Cửa tiệm đặc biệt với chiếc lò nướng hơi nước được cấp bằng sáng chế, sử dụng cỏ ẩm khiến những chiếc bánh có độ sáng bóng. Sau đó, người doanh nhân trở về nước, hàng loạt tiệm bánh bắt chước mọc lên để giải quyết "cơn thèm bánh" của người Paris. Qua nhiều thập kỷ, bánh sừng bò được người Pháp cải tiến, trở nên mỏng, nhẹ hơn và mang cho mình cái tên mới - croissant.
Croissant truyền thống được làm bằng cách tạo ra nhiều lớp bột, bơ hoặc bơ thực vật. Một lớp bột mỏng được phủ trong một lớp bơ, sau đó gấp lại. Quá trình này tiếp tục cho đến khi có hơn 50 lớp bột và bơ. Khi ăn, bánh phải chia lớp rõ ràng và các lớp phải dễ bong ra. Michel Lyczak, một thợ làm bánh croissant chuyên nghiệp, cho biết bí mật của một chiếc croissant xuất sắc đến từ chất lượng của nguyên liệu đường, muối, bột mì, trứng, sữa và bơ. Bột mì phải giàu protein và phải dùng sữa tươi nguyên chất để lạnh. Sau khi cán phẳng và gấp bột, thợ làm bánh cắt thành các hình tam giác, sau đó cho vào tủ lạnh 12 tiếng để lên men. "Nếu không làm điều này, bạn sẽ không tạo ra được các lớp mà chỉ nhận được một chiếc bánh mì bình thường", Michel chia sẻ.
Bánh sừng bò đúng chuẩn khi ăn phải chia nhiều lớp rõ ràng. Ảnh: @cucuccos/Instagram
Hiện nay, bánh croissant rất phổ biến và được bán khắp nơi trên thế giới. Ngoài croissant truyền thống, du khách có thể thưởng thức muôn vàn kiểu biến tấu như phủ chocolate, nhân thịt nguội... Nó đã trở thành một biểu tượng của du lịch Pháp cùng với tháp Eiffel, bánh mì baguette... Nhiều du khách chia sẻ, họ cảm thấy ấn tượng với loại bánh này một phần do cái tên khá khó phát âm. Cách phát âm chuẩn của croissant là "krwa-sohn", thay vì "krois-sohn" như nhiều người đọc.
Trung Nghĩa tổng hợp