Từ Huế, qua khỏi đường hầm Hải Vân (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), nếu không vòng theo đường tránh, mà chạy thẳng vào thành phố trên quốc lộ 1A, bạn sẽ bắt gặp ngay làng gỏi cá Nam Ô.
Gỏi cá Nam Ô hoàn toàn được chế biến bằng cá sống. Thoạt nghe, bạn đừng cảm thấy sợ, bởi gỏi cá ở đây, không giống những món gỏi cá sống thường thấy. Gỏi dễ ăn và có sự kết hợp giữa các loại rau, nước chấm vô cùng hợp lý, hài hòa. Chỉ cần gắp một miếng gỏi cá Nam Ô, cuốn chung với các loại rau rừng tươi ngon, chấm vào chén nước chấm đặc quánh được chế biến dành riêng cho món gỏi, bạn sẽ thấy rất nhiều hương vị lan tỏa nơi đầu lưỡi, ngon đến vô cùng. Bạn phải làm thêm một cuốn, một cuốn nữa, cho đến no mà không có cảm giác ngấy.
Gỏi cá Nam Ô có đến hai loại gồm gỏi cá khô và gỏi cá ướt. Cách chế biến của hai “thể loại” này đều có nét tương đồng, chỉ khác một chút ở công đoạn cuối.
Để chế biến món này, những chủ quán ở Nam Ô phải chọn mua những con cá trích còn sống tươi nguyên, vòng thân độ 4-5cm, được biển nuôi dưỡng rất săn chắc. Loại cá trích có nhiều ở vùng biển Đà Nẵng, với vị ngon đặc trưng của vùng này, thường được các ngư dân trong vùng đi lưới về từ tờ mờ sáng, là mang đến bỏ mối cho các hàng quán trong khu vực. Không bao giờ người ở đây dùng cá chết để chế biến, vì như vậy sẽ không thành được món gỏi trứ danh Nam Ô. Chỉ có cá sống mới được mua về để trong chum giữ cho sống, sẵn sàng chế biến ngay khi khách bước vào quán…
Bắt tay vào làm món gỏi, người làm thường đặt cá trích còn sống nhảy lên thớt, cắt bỏ đầu, đuôi, xương của cá, chỉ lọc lấy thịt cá. Rửa sạch cá, sơ chế, sau đó ép nhẹ cá, lấy nước nhĩ ra từ những miếng cá tươi nguyên, để vào trong chén chuẩn bị cho công đoạn chế biến nước dùng.
Nước cá được ép ra sẽ chế biến thành nước dùng, với công đoạn khá bài bản: bỏ lên nồi, đun sôi, nêm với vài loại gia vị như bột ngọt, ớt bột, đặc biệt không thể thiếu chút nước mắm Nam Ô nguyên chất. Khi sôi lên, bỏ một chút bột năng pha nước loãng vào cho nước chấm sệt lại. Múc ra chén phục vụ khách, người ta sẽ rắc lên một ít mè rang đã giã nhuyễn, một chút hành phi. Nước chấm pha xong, sẽ có mùi thơm rất dịu nhẹ, khi nêm vào, nghe hương vị nồng nàn: the the của ớt, ngọt thanh của nước cá, béo béo của mè, thơm nồng mắm nguyên chất…Sự hòa quyện đó cùng với đĩa gỏi cá được bày biện khéo léo khiến thực khách không thể cưỡng lại.
Để làm gỏi ướt, người ta lấy cá ép xong cắt thành những miếng dài vừa ăn, rồi ướp ngập trong các loại củ được dùng làm gia vị như tỏi băm nhuyễn, gừng đập dập, riềng cắt sợi…Còn đối với gỏi khô cũng được làm giống như trên, nhưng thêm một công đoạn đó là: đem những miếng cá được ướp, bỏ trên mâm có thính, lăn tròn miếng cá cho thính bám đều trên ấy. Theo những người già ở vùng này thì công đoạn “cuộn” thính sẽ giúp cho miếng cá sống được khử khuẩn, món ăn sẽ ngon lành hơn. Nhưng dù là gỏi khô hay gỏi ướt, khi đã ướp với các loại củ gia vị trên, sẽ bay đi mùi tanh khó chịu.
Nguồn: Báo Tin Tức