Một hình ảnh quen thuộc trên khắp các vỉa hè vào mùa đông giá lạnh là chảo hạt dẻ thơm phức, nóng hổi – hạt dẻ Trùng Khánh. Và cũng không nhiều người biết được rằng đây là thứ đặc sản của vùng đất Cao Bằng mang một hương vị riêng mà không nơi nào có được.
Hạt dẻ là thứ quả chỉ có ở vùng đất biên cương Lạng Sơn, Cao Bằng mà thôi. Hơn nữa, bà con Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng không đáng kể. Ngay tại thị xã Cao Bằng, ai may mắn lắm mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, mà phải tháng Chín, tháng Mười hàng năm vì đây là mùa thu hoạch.
Ngày nay, thứ quả đặc sản này tràn lan ra khắp cả. Nhưng nhìn kĩ thì thấy hạt dẻ to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và rốn không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm. Nhưng thịt nó rất ngọt. Ngọt như trộn đường. Điều dễ nhận biết nhất là hạt dẻ nhái bán quanh năm. Mùa nào cũng có. Hạt dẻ ấy mang đi bao xa, đi bao lâu cũng không bao giờ sợ bị thâm bị thối.
Còn hạt dẻ Trùng Khánh xịn, vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Nếu đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín, bạn sẽ thấy có hương thơm tự nhiên. Ngọt bùi tự nhiên. Chỉ cần ngậm một lúc, tự nó mềm ra như bột bánh khảo. Nó từ từ chín một lần nữa trong miệng. Hãy nhớ một điều, hạt dẻ Trùng Khánh chỉ xuất hiện vào cuối thu. Cuối thu đầu đông là hạt dẻ xù lông rụng rốn. Hái về phải chế biến ngay, đừng để lâu. Để lâu, hạt dẻ bị thâm thối. Bốc mùi không ngửi được. Vì nó chứa hàm lượng đạm cao. Đạm càng cao, khi bị hư, càng nặng mùi.
Có dịp tới Cao Bằng bạn sẽ được đi dưới những tán cây dẻ mát lành, thoang thoảng hương, chúng như những bàn tay gió vuốt nhẹ lên mặt, lên tóc bạn. Buổi sáng trong rừng dẻ mới thanh sạch làm sao! Bà con người Nùng, người Tày, người Dao chăm chút cho vườn dẻ, cho rừng dẻ của mình với một tình yêu đặc biệt, cứ như họ đang chăm những đứa con, hay những cây ăn quả trong vườn nhà. Quả dẻ nhiều gai xù xì như quả chôm chôm. Mỗi quả chứa 3-4 hạt. Khoảng cuối thu đầu đông, quả dẻ chín rụng đầy mặt đất. Rồi hạt dẻ theo chân đồng bào dân tộc ra chợ, hay lên đường về xuôi như một thứ quà độc đáo của núi rừng Cao Bằng./.
(Theo dulichcaobang)