Nguyên liệu đơn giản, cách làm không mấy cầu kỳ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa. Bánh uôi cùng với những nét độc đáo trong ẩm thực người Mường từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân.
Bà con Mường Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) làm bánh uôi ngày Tết Độc lập.
Hằng năm, cứ đến Tết Độc lập, các gia đình ở Mường Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) lại nghiền bột gạo nếp, hái lá bương, chuẩn bị lạc, vừng làm món bánh uôi, một loại bánh truyền thống độc đáo không thể thiếu trong ngày này. Cùng mế Quách Thị Khẹt, xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa ra vườn lấy lá bương gói bánh. Chọn chiếc lá bánh tẻ to, đẹp, không bị sâu, rách, mế Khẹt chia sẻ: Trong tiếng Mường, bánh uôi được gọi là "peẻng uôi" hay bánh vợ chồng hoặc bánh phu thê. Không ai biết bánh uôi có tự bao giờ, chỉ biết rằng rất nhiều thế hệ người con sinh ra trên đất Mường Vó này tuổi thơ đã gắn liền với cốp bánh uôi nóng hổi, nghi ngút khói đổ ra mâm toả mùi thơm phức. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khốn khó, đám trẻ trong nhà chỉ mong đến Tết Độc lập để được thưởng thức bánh uôi. Dần dà, đây trở thành thức quà quý biếu khách phương xa khi đến với Mường Vó dịp này.
Nguyên liệu chính để làm bánh uôi gồm có: gạo nếp, đậu nho nhe, lạc, vừng, lá bương (nhiều nơi làm bằng lá chuối). Thông thường, để bánh dẻo ngon thì gạo nếp phải ngon, dẻo. Trước khi gói, gạo nếp đem vo kỹ, ngâm qua đêm cho nếp mềm rồi xay thành bột mịn. Về nhân, mỗi vùng Mường trong tỉnh lại có một cách làm nhân khác nhau. Nếu người Mường ở các phường thuộc TP Hoà Bình thường làm bánh uôi nhân thịt lợn, đỗ xanh thì các mế, các chị ở vùng Cộng Hoà (Lạc Sơn) lại thích ăn bánh uôi có nhân lạc rang giã nhỏ bỏ thêm chút muối. Còn ở Mường Động (Kim Bôi), Mường Thàng (Cao Phong), bà con thường nhào bột cùng chuối tây chín kỹ để bánh vừa có vị ngọt, vừa dậy mùi thơm của chuối. Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị kỹ, công đoạn gói bánh bắt đầu. Hai cục bột có nhân bên trong được đặt ở hai đầu đối xứng nhau trong tấm lá, nhanh tay cuộn lại, xoắn thật nhanh, gấp đôi và bánh được cố định lại bằng chiếc lạt buộc, hoặc tận dụng phần đuôi lá thừa để buộc bánh, tiếp đến là cắt gọt để bánh được đẹp mắt hơn.
Đặt bánh vào cốp đồ khoảng hơn 1 tiếng sẽ cho ra được mẻ bánh thơm ngon. Hương vị lá chuối, lá bương hoà quyện cùng bột gạo nếp thơm dẻo, nhân đậu thịt bùi, ngậy tan trong miệng tạo nên ấn tượng khó quên. Anh Phạm Quốc Duyệt, xóm Đúng Thá, xã Thu Phong (Cao Phong) chia sẻ: Người Cao Phong thường có phong tục làm bánh uôi vào dịp Tết. Trên mâm cúng ông bà tổ tiên, bên cạnh đĩa xôi, con gà, cặp bánh chưng thì không thể thiếu đĩa bánh uôi. Cũng như bánh chưng, lũ trẻ ở đây mặc định rằng cứ nhìn thấy bà, thấy mẹ làm bánh uôi là thấy Tết.
Bánh uôi đã đi vào tiềm thức những người con xứ Mường bình dị và nhẹ nhàng như thế. Ngày nay, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn giữ phong tục thơm thảo vào ngày Tết. Đó là sau khi làm lễ cúng ông bà, tổ tiên, bà con sẽ treo một cặp bánh uôi và bánh chưng lên mỗi loại nông cụ, đồng thời bóc bánh cho con vật trong nhà ăn. Hành động đó như một lời cảm ơn chân thành vì đã cùng họ lao động, sản xuất, canh giữ nhà cửa trong năm qua. Đó cũng là một trong những nét đẹp văn hoá được người dân nỗ lực bảo tồn đến nay.
Khánh Linh (TTV)