Yên Nội là một làng quê trù phú thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nằm cạnh quốc lộ nối hai thị xã Sơn Tây và Hà Đông, bên bãi bồi "Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc", cách huyện lỵ Quốc Oai 1.5km. Trước Cách mạng tháng Tám, làng Yên Nội gọi là xã Yên Nội, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai.
Lò vật của làng nổi tiếng từ xưa nhưng khởi nguyên từ bao giờ nay không còn ai nhớ rõ, chỉ biết nghề vật gắn liền với ngôi đình thờ do dân hưng công xây dựng to đẹp vào thời Lê, năm Chính Hoà thứ nhất (1680). Hiện nay trong đình còn lưu giữ một số bức cốn gỗ chạm trổ cầu kỳ, đậm đà sắc thái dân dã. Ví như bức cốn chạm hình rồng, một trong bốn con vật tứ linh (long, lân, quy, phượng) làm trung tâm, xung quanh là 19 con giao long và 6 con nghê mình trơn. Ở bức cốn này, người nghệ sỹ đời xưa đã mạnh dạn chạm 9 người ở các tư thế khác nhau. Người cưỡi trên đầu nghê, đầu giao long tai dơi, lại có người nằm trên móng vuốt rồng, đặc biệt có một phụ nữ đang ngồi cổ giao long đánh đàn và đôi trai gái cưỡi ở hai đầu rồng còn đang nhoai người ra bá vai nhau. Ít có bức cốn nào phản ánh thời đại sinh động như thế. Cái thời đại mà uy quyền của vua chúa chẳng còn thiêng nữa dưới con mắt của người dân.
Đình Yên Nội thờ ba vị thần làm thành hoàng của làng: Thần Tản Viên - người anh hùng trị thuỷ, người anh hùng khai sáng văn hoá, được người xưa suy tôn là một trong "tứ bất tử", Mỵ Nương công chúa - con gái Hùng Vương thứ 18, vợ của thần, và vị thần Cao Lỗ - tướng tài có công sáng chế ra dàn nỏ đẩy lùi cuộc xâm lăng của giặc Triệu Đà ở thời An Dương Vương.
Hàng năm, làng mở hội tưởng nhớ các vị thần làng vào ngày 12 tháng 2 âm lịch (tương truyền là ngày sinh của thần Tản Viên).
Buổi sáng, cả làng tổ chức rước kiệu Thánh. Dân các xóm xuất phát từ 3 quán ở cạnh làng (Quán Từa thờ Tản Viên, quán Dộc thờ Cao Lỗ, quán Đọ thờ Mỵ Nương) dùng hương án rước cỗ và kiệu bát cống rước bài vị, bát nhang các vị thần từ quán về đình. Cuộc hội nhập của ba đám rước từ ba hướng về sân đình làm không khí ngày hội tưng bừng. Hiện nay gian giữa đình còn lưu câu đối cổ phản ánh ngày hội trên.
Phiên âm chữ Hán:
Phiên toạ thiên cao đường bộ tuấn
Náo duyên phong tổng cổ trung hoà
Dịch nghĩa
Uy nghi giữa trời cao các vị thần thờ
Náo nhiệt hội dân, tiếng người hoà tiếng trống.
Những năm mùa màng mưa thuận gió hoà, đời sống dân tình khá giả thì làng mở hội mời các cụ làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ (anh em kết chạ) đến dự, lại mời hai phường chèo ở bản huyện đến diễn. Ngày đầu tiên hai phường phải thi hát để các cụ làng sát hạch chấm xem phường nào hát hay, diễn xuất tốt thì mới được ở lại phục vụ. Muốn thêm trò vui, các cụ vào mời dân Mường vùng Lương Sơn - Hoà Bình đến tham gia các trò dựng cây nêu có vòng tròn ở đỉnh cột, để trai gái Mường thi ném quả còn qua các vòng tròn ấy. Người Mường còn có đội cồng trên 10 chiếc do các cô gái trình diễn liên tục trong ngày hội. Trai đinh làng Yên Nội còn diễn trò đánh gậy. Nhưng độc đáo nhất của hội làng Yên Nội vẫn là trò vật. Hội dù to hay nhỏ nhất thiết phải có xới vật.
Người làng cho rằng, đình của làng có từ bao giờ thì vật của làng có từ thời ấy. Vật là một hình thức bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần làng đã phù trợ cho dân khang, vật thịnh. Do vậy, buổi chiều trước khi khai trương xới vật phải làm lễ thờ thần, phải có hai ông già của làng vào vật thờ, biểu diễn những động tác đẹp của trò đấu vật.
Vật truyền thống của làng Yên Nội gồm có người cầm chầu, vai trò như trọng tài thi đấu, thường là cụ già tinh tường về vật, nhanh tay nhanh mắt dùng tiếng trống để điều khiển trận đấu, lúc thôi thúc nhắc nhở các đô vật tăng cường thi đấu, lúc dìu dặt để giảm bớt sự cam go, lúc cảnh cáo đô vật nào đó dùng miếng hiểm hoặc khẳng định sự thắng thua. Trống vật còn vang xa như mời, như giục người tới xem.
Người vào vật gọi là đô vật, đóng khố, cởi trần. Trước lúc đấu, các đô vật phải làm lễ ra mắt, gọi là xe đài để trình diễn các động tác hay, là cơ hội để thăm dò tinh thần đối phương và biểu hiện tinh thần thượng võ của lò vật. Các đô vật làng Yên Nội xe đài bao giờ cũng mang phong cách biểu diễn riêng, nét mặt tươi vui, hai tay mở rộng như hai cánh chim bay.
Xới vật ở làng bao giờ cũng có một đô vật đứng giữ giải để đô vật các nơi vào phá giải. Để giữ giải phải thắng hai keo ở lèo, một keo ở khảo lèo và ba keo thắng tiếp đô vật đến phá giải.
Khác với vật nay, vật cổ truyền không phân hạng cân mà coi trọng ở sự dẻo dai, tài nhanh trí, miếng vật độc đáo. Hai đô vật có thể đôi co, lừa miếng nhau kéo dài cả buổi. Ai lừa giỏi sẽ thắng. Người thua bị đối phương vật ngã phơi bụng hoặc bị nhấc bổng cả hai chân lên. Đến hội vật làng Yên Nội, chúng ta dễ nhận ra những nét sau:
1. Môn vật là một sinh hoạt văn hoá ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân, tạo nên ý thức thường xuyên ham mê tập luyện.
Người dân Yên Nội xưa sống bám ven dòng sông Đáy. Đất trong đồng lổn nhổn ô trũng, chiêm khê mùa thối. Đất ngoài đê gieo trồng chỉ một vụ, phải năm lũ sớm, mùa màng bị lũ cuốn sạch, công sức coi như mất cả. Thuở ấy, người Yên Nội vất vả lắm. Cũng như bao người dân xứ Đoài "ăn cơm thì ít, sắn khoai thì nhiều", hơn ai hết, họ thấm thía về cái nghèo của quê hương họ. Chẳng thế có câu ca:
Con gái Yên Nội đầu trọc, váy cộc, chân chì
Quanh năm đau mắt tứ thì mắt đau
Cơ cực lắm nhưng cũng nhiều khát khao lắm. Cái khát khao lớn nhất của người Yên Nội là mong sao khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh để xua đuổi bệnh tật. Khỏe mạnh để chế ngự đói nghèo. Khoẻ mạnh đồng nghĩa để sinh tồn. Đó là khát vọng thường trực trong mỗi người dân Yên Nội.
Nhưng muốn khoẻ mạnh phải tìm cho mình một phương thức luyện rèn. Phương thức gì đây? Người Yên Nội đủ thông minh để chọn phương thức rèn luyện sức khoẻ toàn làng qua trò đấu vật. Vật là một món ăn tinh thần của người Yên Nội, năm nọ kế tiếp năm kia trở thành truyền thống của làng. Do vậy, đến nay, người Yên Nội hễ nghe tiếng trống vật là nô nức rủ nhau đi xem. Nhiều xới vật quanh vùng nếu vắng các đô vật Yên Nội về tranh giải thì vật năm đó kém vui. Dường như cả làng Yên Nội già, trẻ, gái trai đều thông thạo các món, miếng, luật lệ, tiếng lóng của trò đấu vật. Và hội làng năm nào cũng mở hội vật. Năm hội lớn, hội vật mở 7 ngày, có năm mở 3 ngày. Ngoài ra, đô vật Yên Nội còn rủ nhau đi vật ở các xới khác.
Suốt những tháng xuân đi vật thì thôi, chứ đã ở nhà, các đô vật lại dồn sức vào tập luyện. Họ hào hứng gánh cát đen bờ Đáy về đổ thành xới vật. Tập nâng, bê những cối đá, tập gồng những cối đá đè lên bụng, tập dùng tay vặn những thân cây to, tập khoá, đỡ, bò, bốc.... để nâng cao thể lực và sức khoẻ thi đấu. Trong suốt những tháng đi vật, các đô vật của Yên Nội ăn uống sạch sẽ, không ăn xô bồ, rượu chè bê tha và có ý thức kiềm dục, để thi đấu đạt hiệu quả cao nhất. Những tháng có trăng, trai làng lại đi tìm bãi cỏ tập vật. Các em bé đi thả trâu thú vui nhất là lên bờ đê để vật nhau xem ai thua, ai thắng.
2. Truyền thống tưởng nhớ tổ tiên
Như đã thành lệ, năm nào cũng vậy, hễ đến tuần đầu năm mới, sáng mồng 4 tháng giêng, ông trùm lò vật Yên Nội lại sắm một mâm cỗ, gồm một mặt lợn, một mâm xôi, một bánh pháo, cau trầu, rượu kéo hàng đô ra đình lễ tam vị thành hoàng của làng sau đó họp bàn công việc của lò vật cho mùa hội tới. Buổi chiều các đô vật lễ khai trương ở đình, sau hôm đó mới dự vật ở các xới trong vùng. Đó là truyền thống tốt, phản ánh tình yêu tha thiết với mảnh đất chôn rau cắt rốn của các đô vật, nên họ dành những giá trị tinh tuý nhất của trò đấu vật biểu diễn người làng trước sau mới đến người ngoài làng.
3. Tấn công nhanh để giành phần thắng
Vật có những miếng bốc đôi (bốc cả hai chân đối thủ), bốc một (bốc một chân), bốc trong (luồn tay móc trong kheo), bốc ngoài (luồn tay móc từ ngoài và kheo), ngóc: đảo tay lừa lúc đối thủ sơ hở, chui qua nách ra phía sau, quay ngay lại ôm ngang eo, nâng đối thủ lên, quật xuống giành phần thắng. Nhưng các đô vật Yên Nội có sở trường nhất là hai miếng: miếng thứ nhất là gồng, đang ở tư thế vờn đối phương, bất chợt quỳ xuống chui đầu qua nách, một tay kéo tay đối thủ, tay kia nâng chân, dùng sức gồng lại, khéo léo lừa khi đối thủ sơ hở là chớp nhoáng tấn công dứt điểm. Miếng này phòng gặp đối phương to lớn, đô vật Yên Nội sẽ chủ động bò, nếu đối thủ không biết cách bắt sẽ bất ngờ tung người bật dậy quật ngã đối phương.
4. Tinh thần tập thể
Nhiều người nghĩ rằng: các đô vật đi vật là để giành thành tích cá nhân cốt lấy thưởng ở các hội làng. Ở Yên Nội không hẳn như thế. Với mục đích đoạt giải để mang niềm tự hào cho lò vật của làng, nên đến các xới vật, hàng đô của làng cùng đến, cắt cử người nào vật. Các đô vật hạng thường vào vật trước để các đô vật đứng ngài theo dõi, xem đối thủ giữ giải, mạnh miếng gì, dở miếng gì. Sau đó, hàng đô gặp nhau trao đổi, tìm cách hạn chế sở trường của đối phương. Khi đã có đô của làng giữ giải rồi thì đô vật khác của làng giỏi hơn cũng không vào tranh giải nữa.
5. Vật thể hiện đạo đức làm người
Môn vật cổ truyền tránh nhất là lao đầu, ngóc đầu, lắc đầu, quàng hầu... nghĩa là các động tác vật phải đưa tay vào trước, đầu vào sau, thế mới không gây thương tích cho đối thủ.
Hàng đô Yên Nội vật ở làng và đi khắp hội vật xứ Đoài không bao giờ dùng món hiểm, món ác hại người. Xưa kia hàng đô nào giở các món hiểm khi vật sẽ bị các cụ xử lý nghiêm khắc như cho hàng đô đánh cảnh cáo, không cho nhập lò, cấm đi vật. Do vậy, các đô vật của làng Yên Nội đi vật, vật rất tài mà không hiếu thắng. Việc gây gổ đánh nhau là rất kỵ. Vì thế xưa có một số xới sinh chuyện lộn xộn, chẳng những người làng mà cả dân hàng xứ đều có ý thức bảo vệ hàng đô của làng Yên Nội. Ngay cả những lúc bị thua hay bị đối thủ nơi khác chơi ác, đô vật Yên Nội cũng rất từ tốn thể hiện đạo làm người của cha ông, tạo ra phong thái vật ung dung, tĩnh tại, đẹp mắt.
6. Mảnh đất của những người khoẻ
Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Truyền thống vật đã ngấm vào máu thịt các thế hệ người làng Yên Nội, giúp người dân khoẻ mạnh, làm được nhiều điều bổ ích cho xã hội. Dân làng còn truyền lại, vào thời Lê Thánh Tông, có cụ Vương Khắc Mại người làng đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 15 (1485), kiêm Đô Lực sĩ trong triều. Trước đó có cụ Vương Lan đi vật từng gặp những đô to gấp rưỡi mình, nhưng cuối cùng đều phải chịu thua cụ. Dân làng gọi cụ là cụ Giang héo, nghĩa là người dẻo dai như cây giang để héo. Cụ trùm lò Nguyễn Đình Trình đứng giữ giải ở xới làng, các đô lừng danh như Hai Đen tỉnh Bắc, Hai Nước tỉnh Đông, Quan Bách lò vật Cát Quế, Bốn Trôi, Quản Cựu, Hai Bền vùng Thạch Thất về tham gia vật mà không lấy được giải. Cụ Nguyễn Đình Ước có kỹ năng gồng để người ngoài khênh hai cối đá đè lên bụng, thở một cái hai cối đá lộn nhào. Rồi các cụ Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đình Chiển, Vương Văn Chạc đều là các đô vật nổi ở làng.
Với truyền thống lâu đời, đô vật làng Yên Nội đã hình thành những phong thái thi đấu riêng mang đặc trưng văn hoá của một hội vật tiêu biểu của xứ Đoài được nhiều người trong nước biết tới và mến mộ.
Nguồn : Lễ hội cổ truyền Hà Tây, Sở Văn hoá thông tin Hà Tây, 1999