Món ăn Việt không quá cay như Ấn Độ, không nhiều dầu mỡ như Trung Quốc, lại sử dụng nhiều rau củ quả cùng các loại gia vị thanh đạm, rất hợp với khẩu vị của người dân xứ hoa Anh Đào.
Trong những năm gần đây, một số nhà hàng Việt Nam như Miss SaiGon ở Shibuya, Vietnam Allice, Hương Việt ở Shinjuku, Áo dài ở Asakusa hay Saigon Restaurant ở Ikebukuro... đã trở nên quen thuộc với những người Nhật Bản. Và cứ hễ nhắc tới Việt Nam, có lẽ một trong những thứ đầu tiên mà người Nhật nghĩ đến là món nem, phở và gỏi cuốn - những cái tên không cần dịch mà ai cũng hiểu, thậm chí nhiều người còn nấu rất giỏi.
Món ăn hợp khẩu vị người Nhật
Thấu hiểu tâm lý ẩm thực của người dân bản xứ, các món ăn Việt ở Nhật đều được các đầu bếp chế biến theo một công thức riêng: giữ nguyên hương vị Việt nhưng phải hợp khẩu vị người Nhật.
Bên cạnh phở bò/gà truyền thống, nhiều nhà hàng Việt ở Nhật đã sáng tạo phục vụ phở tôm hoặc phở nghêu, có giá 1.000 yen/tô (khoảng 150.000 VND)… Tuy nhiên, cho đến nay, món ăn “quốc hồn” này vẫn không đạt được đỉnh cao nghệ thuật như ở Mỹ, nên chưa được người dân bản xứ chú ý. Bà Naomi Imoto, giáo viên dạy nấu ăn món Việt tại TP Osaka, cho biết người Nhật rất thích món gỏi cuốn, được các đầu bếp dùng bánh tráng Việt Nam cuốn tôm, thịt lợn (hoặc thịt gà), cá samon hun khói, trứng tráng thái sợi. Đặc biệt, nhiều nhà hàng Việt còn “phá cách” cuốn thêm rêu biển nhằm tạo sự mới lạ, cũng như tương thích với đặc sản shusi của Nhật Bản. Song, khác với người châu Âu ưa chuộng các loại rau thơm Việt Nam, đại đa số người Nhật không thích ăn gỏi cuốn cùng hành, mùi, húng quế …
Aizawa lần đầu tới nhà hàng Hương Việt ở Shinjuku (Tokyo), đã rất thích món gỏi cuốn tôm, ăn cùng nước mắm pha theo công thức gia truyền “hơi chua chua, ngọt ngọt, rất hợp khẩu vị người Nhật”. Aizawa cười vui vẻ nói: “Tôi ăn một lần hết 8 cái gỏi cuốn mà vẫn muốn ăn thêm”. Còn Hana Kusumoto, trong một lần cùng bạn tới nhà hàng Lotus Palace ở Akasaka (Tokyo), cho biết: “Tôi gọi một đĩa gỏi cuốn gồm 5 cái, giá 580 yen. Thế nhưng, tôi đã ăn tới 10 cái cùng nộm đu đủ”.
Xu hướng mở nhà hàng tăng mạnh
Hiện nay, xu hướng mở nhà hàng Việt tại Nhật Bản đang tăng mạnh, đặc biệt từ khi Việt Nam chính thức miễn visa cho du khách Nhật từ đầu năm 2004. Nhằm bảo đảm hương vị Việt Nam, ở xứ Mặt trời mọc đã có nhà hàng Hương Việt được mở năm 1986; tìm địa chỉ thơ mộng thì có nhà hàng Đà Lạt ở Jiyugaoka, quận Meguro; xem phim ảnh thời sự thì có Ao Papaya ở quận Kita; lời chào niềm nở và thân thiện thì chắc không đâu qua mặt nhà hàng Hello Việt Nam ở quận Chiyoda; đơn sơ mà hấp dẫn thì không đâu hơn nhà hàng Áo Dài, được thành lập năm 1980 ở Akasaka, quận Minato; bình dân thì có Chao Bamboo ở Shibuya-ku, Tokyo và Cơm ngon ở thành phố cổ kính Nara – đây là quán nhỏ nằm khiêm nhường, khép nép trong khu mua sắm ở trung tâm thành phố, với lối trang trí bằng cây tre trang nhã, gợi nhớ không gian nhà sàn xưa vùng Bắc Bộ. Dominic chia sẻ trên sunnypages.jp: “Tôi rất ấn tượng với đầu bếp người Nam Bộ luôn cặm cụi, tỉ mẩn với từng đĩa thức ăn thơm phức, tràn đầy hương vị Việt Nam…”.
Có lẽ, để quảng bá hình ảnh quê hương đất nước tới người dân bản xứ, rất nhiều nhà hàng Việt được đặt tên “Sài Gòn”. Tuy nhiên, với lịch sử khoảng 20 năm, Saigon Restaurant là một trong những nhà hàng Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở Tokyo. Chủ nhà hàng Phạm Xuân Khuê cho rằng, do nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng nên lượng khách nữ người Nhật Bản ở độ tuổi 20 - 30 đến nhà hàng ngày càng đông. Những món ăn Việt Nam để lại ấn tượng đối với khách hàng vẫn là phở và nem, được thưởng thức cùng hương vị của các loại bia như "333" và "Saigon".
Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có 37.000 người, trong đó có khoảng 17.000 người Việt sinh sống tại Nhật Bản, 17.000 tu nghiệp sinh và 3.000 lưu học sinh; sống tập trung ở quanh hai khu vực trung tâm lớn là Tokyo ở phía Bắc và Osaka ở phía Nam. Hầu hết người Việt Nam tại Nhật Bản đều đăng ký cư trú theo đúng quy định của nước sở tại và làm ăn lương thiện, nhận được sự tin cậy, tôn trọng của người dân và chính quyền Nhật Bản. Bà con chủ yếu làm công ăn lương trong các công ty của Nhật Bản, hoặc người nước ngoài tại Nhật. Một số trí thức có học vị, học hàm làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kinh tế, ngôn ngữ… Một số ít thành lập công ty làm ăn buôn bán trong nước.
Chiều 19/7, đại diện các hội và tổ chức của người Việt Nam ở Nhật Bản đã tổ chức Đại hội thành lập Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Đại hội đã thông qua Điều lệ của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời bầu ra Ban chấp hành gồm 5 người, do tiến sỹ Lê Văn Tâm, một thành viên cũ của Tổng hội người Việt yêu nước, làm Chủ tịch, và ông Vương Chí Tân làm Tổng Thư ký. Tiến sỹ Lê Văn Tâm cho biết mục đích của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản là tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong việc học tập và giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trước khi Hội người Việt Nam ở Nhật Bản được thành lập, tại Nhật Bản có nhiều tổ chức hội của người Việt hoạt động rất mạnh như VYSA, Hội Sinh viên Đông Du, Hội người Việt tại vùng Kansai và Hội người Việt vùng Kanto.
|
Didulich.Net/BaoDatViet