(Dân trí) - Bún cá hô, bún cá cóc, bún bò cay, bún mắm… là những món ăn đậm chất Nam bộ. Mới thoạt nghe qua, người ta có thể liên tưởng đến một chợ quê với những quang gánh, quán nhỏ bên lề đường. Ít ai có thể nghĩ đến một ngày, những đầu bếp Việt đã mang những món ăn đó vào khách sạn 5 sao…
Ông Võ Văn Anh, bếp trưởng khách sạn Grand Saigon giải thích: “Đưa đặc sản địa phương phục vụ du khách quốc tế khó lắm. Nó đòi hỏi người đầu bếp phải thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu làm cách nào người nước ngoài có thể thưởng thức món ăn gần như nguyên vị là thách thức cực lớn. Ví dụ như bún riêu thì không thể cho khách dùng mắm ruốc, bún nước lèo thì lượng mắm phải ở mức vừa phải…”.
Món bún nước lèo Sóc Trăng đã được gia giảm lượng mắm ở mức vừa phải để cho thực khách nước ngoài không bị “sốc” bởi mùi hương của món ăn.
Không chỉ du khách nước ngoài, nhiều người Việt cũng tròn xoe đôi mắt khi biết miền Tây sông nước cũng có món bún bò trứ danh. Từ trước đến giờ, trên đất Sài thành, người dân vẫn quen với thương hiệu “bún bò Huế”, khi nghe bún bò Bạc Liêu ai cũng ngạc nhiên và tò mò.
Món bún cá Cóc Vĩnh Long được nấu theo kiểu “kho lạt”, trong phần rau có bông điên điển rất thu hút thực khách
Để món cá cóc ngon thì con cá phải còn nguyên vẩy, nếu không sẽ mất đi vị đặc trưng. Khi kho lửa để nhỏ, chỉ liu riu. Nước sôi một lát thì trở bề cá cho thấm. Mỡ cá hòa vào nước cá kho toát lên mùi thơm thanh thoát. Quan trọng hơn, vẩy cá sẽ nở bung ra, giòn sừn sựt... Cá cóc kho nước dừa ngon nhất là khúc đầu vì vừa có thịt, có mỡ bụng lại vừa có mắt cá, xương sụn đầu.
Cá cóc kho mà thiếu đĩa rau ăn kèm thì kể ra cũng thật phí món ăn. Rau ăn kèm gồm các loại rau ăn sống như cải xanh, diếp cá, xà lách, bông điên điển, dưa leo,… nhưng hợp nhất vẫn là dưa giá và xoài hường bằm sợi. Các loại rau ăn kèm có rất nhiều vitamin và men tiêu hóa, ăn mát, giải nhiệt, rất tốt cho cơ thể. Theo các chuyên gia ẩm thực, cá cóc kho nước dừa mà ăn cùng gạo thơm Nàng Hương thì ăn không biết no.
Bún cá hô làm nhiều thực khách tò mò vì đây là loại cá “hiếm” ở miền Tây. Nhưng theo đầu bếp thì hiện nay loài cá này đã có thể lai tạo được.
Cá ngọt, dai và béo, ăn rồi thật khó quên. Vị ngọt thơm tự nhiên của cá khiến thực khách từ người lớn đến trẻ em đều mê say.
Nước chấm chính là bí mật lớn nhất của vị đầu bếp Võ Văn Anh, ông đã nghĩ ra loại nước chấm này để có thể phục vụ du khách, giảm độ tanh khi món ăn nguội, điều tiết vị cho những ai có hệ tiêu hóa “nhạy cảm” với món ăn lạ, quan trọng vẫn là cân bằng âm dương trong chế biến.
So với nhiều thực đơn khác, có lẽ thực đơn ăn sáng của đầu bếp Võ Văn Anh là khiến người ta bối rối nhất. Bởi có nhiều đặc sản vùng miền khác nhau như: miến lươn Nghệ An, hủ tiếu bắp chìa Đắk Lắk, bánh vá xôi vò Gò Công, bún nước lèo Sóc Trăng, bún bò cay Bạc Liêu, bún cá hô Châu Đốc...
Phạm Nguyễn