Làng An Truyền (xã Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) hiện đang trở thành nơi gặp gỡ của nhiều gia đình, nhóm bạn, của những vị khách xa quê tìm về nguồn cội quê hương qua những món ăn “độc vị” chân quê.
Phong cảnh thiên nhiên nơi đây cực đẹp đã thu hút hàng nghìn lượt các nhà nhiếp ảnh ảnh nghệ thuật trên cả nước đổ về “săn” ảnh
Cách thành phố Huế 10km, nằm bên bờ nam của phá Tam Giang làng An Truyền vốn có không gian thoáng mát, khoáng đãng quanh năm. Lúc mặt trời vừa lên hay chiều xuống phong cảnh thiên nhiên nơi đây cực đẹp. Nơi đây đã và đang thu hút hàng nghìn lượt các nhà nhiếp ảnh ảnh nghệ thuật trên cả nước đổ về “săn” ảnh.
Với sự hình thành hai đại lộ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã tạo điều kiện để du khách đến đây thư giãn hàng ngày một cách dễ dàng bằng ô tô hay xe máy. Còn nói đến thành công từ các dịch vụ du lịch hôm nay thì phải kể đến các thế hệ nghệ nhân ẩm thực trong làng. Họ đã dày công tạo dựng cho An Truyền những món ăn mang thương hiệu “An Truyền” đậm đà bản sắc thuần Việt.
Người Nhật Bản, Hàn Quốc thì thích học chế biến và thưởng thức món ăn cổ truyền như bánh chưng, bánh tét
Khách bước chân vào sau cổng làng sẽ bắt gặp một không gian đầy hoài niệm thuần chất “làng” Việt. Đình làng, cây đa, giếng nước, chợ quê là những "nốt trầm" bao bọc con người ta muốn xa lánh phố xá ồn ào. Vì thế mỗi dịp cuối tuần, làng xóm lại trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Người dân Tp. Huế và du khách đổ về đây để du ngoạn và thưởng thức tinh hoa ẩm thực của mảnh đất 550 năm văn hiến.
Giữa sự ồn ào ấy, các nhà hàng “nổi” trên mặt nước đầm phá với những lối đi, những bộ bàn, ghế tre và gỗ mộc mạc, thêm một vài đồ gốm Phước Tích… đã hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cách bài trí ấy xuất phát từ suy nghĩ, món ăn địa phương phải được thưởng thức bằng mọi giác quan nghe – nhìn trong một không gian “lộng gió” đúng nghĩa. Khi các món ăn mang đậm truyền thống xưa được bày trên bộ bàn gỗ thô mộc, trong không gian ngôi nhà tranh tre truyền thống thì sẽ tạo nên “điểm nhấn” giúp du khách thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Các nhóm khách người Mỹ, người Úc thích làm bánh khoái cá kình
Hấp dẫn hơn cả với du khách là được các nghệ nhân ẩm thực địa phương trực tiếp chế biến và hướng dẫn cách làm các món ăn đặc trưng của làng. Từ thành công của nhà hàng đầu tiên, người dân địa phương mở thêm các nhà hàng thứ hai, thứ ba, trên đầm phá. Không đơn thuần chỉ là một nhà hàng “ăn- uống” nơi đây trở thành địa điểm giới thiệu nghệ thuật ẩm thực truyền thống - sinh hoạt - cuộc sống chân thực của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế.
Những vị khách từ nhiều đất nước xa xôi rất thích thú với việc làm món canh hải sản
Các nhóm khách được hướng dẫn cách chế biến từng món ăn dân gian. Người Mỹ, người Úc thích làm bánh khoái. Người Nhật Bản, Hàn Quốc thì thích học chế biến và thưởng thức món ăn cổ truyền như bánh chưng, bánh tét, nấu canh hải sản... rồi ngồi lại thưởng thức ngay trong ngôi nhà “chồ” (tiếng địa phương để gọi ngôi nhà nổi trên đầm phá). Từ hơn chục năm nay, An Truyền luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Vũ Hào