"Muốn ăn mắm sặc bần chua, chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm". Du lịch miền Tây mùa này, nếu không thưởng thức các món ăn nấu từ trái bần tuy dân dã nhưng vô cùng lạ miệng, hẳn là chuyến đi sẽ còn chưa trọn vẹn.
Trái bần là trái gì?
Con nước tháng 9 tháng 10 dâng lên không chỉ đem lại cho miền Tây Nam Bộ nhiều cá tôm, phù sa màu mỡ mà còn là mùa bội thu của nhiều loại hoa quả dại khác, chẳng hạn như bông điên điển hay trái bần xanh xanh. Đây cũng là 2 nguyên liệu cho ra đời nhiều món ăn đặc sản miền Tây dân dã những vô cùng hấp dẫn mà du khách không ai muốn bỏ qua.
Trái bần dân dã vùng Tây Nam Bộ. Ảnh: cooky
Cây bần sống trong vùng bùn nước ở hai bên bờ những con sông lớn ở miền Tây, có lá nhỏ rũ xuống, phát triển tươi tốt nhất vào mùa nước nổi. Dân gian truyền miệng nhiều giai thoại liên quan đến trái bần, tựa như sự tích bao nhiêu loại trái cây phổ biến khác, trong đó có giai thoại liên quan đến cái tên Thủy Liễu – tên gọi ngự ban của cây bần.
Cây bần còn có giai thoại thú vị về tên gọi. Ảnh: thamhiemmekong
Truyền rằng, năm xưa, khi vua Gia Long gặp nạn lưu lạc đến vùng sông nước Tây Nam Bộ, nghĩa quân tan rã, lương thực cạn kiệt, ông phải sống nương nhờ trong nhà người địa phương.
Chính vào lúc đói nhất đã được bát canh chua trái bần cứu sống. Sau này, khi khởi nghĩa dành được thắng lợi, vua Gia Long trở về nhưng vẫn nhớ mãi không quên hương vị món ăn dân dã năm xưa.
Lúc hỏi tên của nó, người dân không dám trả lời vì cho rằng ‘bần’ không được dùng với vua, chúa. Gia Long thấy thế đã đặt tên cho loại cây này là cây Thủy Liễu.
Tên Thủy Liễu do vua ngự ban . Ảnh: thamhiemmekong
Nhiều năm trôi qua, chỉ có các cụ già trong làng còn nhớ về cái tên này, ngâm nga kể lại cho con cháu truyền từ đời này sang đời khác. Còn người lớn trẻ con trong vùng vẫn quen gọi đây là cây bần, trái bần, nghe vừa dân dã thân thuộc lại vừa nghĩa tình.
Trái bần có hình tròn, hơi dẹt, xanh nõn, da trơn bóng, phần đuôi nhọn còn phần cuốn thì xòe ra như hình bông hoa. Trái bần có vị chua chua, bùi bùi, ăn sống cùng được mà đem đi nấu thành món ăn cũng có mùi vị rất tuyệt vời.
Trái bần xanh nõn, hình thù kỳ lạ. Ảnh: thamhiemmekong
Những món ăn nấu từ trái bần của người miền Tây
Canh chua trái bần
Món ăn từng cứu sống vua Gia Long khi ấy chính là canh chua trái bần. Cách nấu tương tự như các món canh chua khác, nhưng thay me bằng trái bần chín.
Nguyên liệu nấu món này bao gồm cá nấu chung với rau muống, rau nhút, bông súng, giá, thơm, cà chua và các loại gia vị bình thường. Cá đem tẩm ướp, cho vào nước đang sôi để nấu ra nước dùng ngọt thanh tự nhiên, cho thêm các loại rau vào nấu.
Bần chín đem dầm trong nước ấm, loại bỏ hạt rồi đổ vào khi nước canh đang sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho thêm rau thơm, rau mùi vào để làm gia tăng hương vị.
Nguyên liệu nấu món canh chua trái bần. Ảnh: cooky
Canh chua trái bần có vị chua chua thanh thanh, kết hợp với vị béo của thịt cá khiến cho thực khách càng ăn càng thích. Món này ăn với cơm trắng có thể no say suốt cả ngày trời.
Cá để nấu canh là cá lóc, cá trê, cá bông lau, cá basa, cá ngát, cá lăng, nguồn nguyên liệu sẵn có mỗi khi đến mùa nước nổi. Gắp miếng cá nấu chín trong canh, thịt dày béo núc, chấm vào nước mắm ớt tỏi, ăn khi còn nóng sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng thỏa mãn.
Canh chua trái bần. Ảnh: thamhiemmekong
Cá kho bần
Mùa nước nổi mang đến cho vùng Tây Nam Bộ nguồn cá tôm dồi dào, thịt béo ngậy, ngọt đậm đà, nấu thành bất kỳ món gì cũng thơm ngon khó cưỡng. Một trong những món ăn nổi bật nhất mùa này chính là cá kho bần.
Món cá kho bần màu sắc tuyệt đẹp. Ảnh: cooky
Người miền Tây chọn những con cá lóc hoặc cá bông lau lớn vừa phải, thịt chắc, kho chung với nước mắm loại ngon cùng các loại gia vị như tiêu, đường, bột ngọt.
Tiếp theo, người ta lấy trái bần chín dầm nát, bỏ hạt, chắt lấy nước cốt đổ vào nồi cá kho, đun lửa liu riu cho đến khi nước cá cho đến khi keo lại, nước chuyển sang màu cánh gián đẹp mắt.
Món cá kho tương bần ăn rất hao cơm. Ảnh: cooky
Cá kho bần có vị chua chua ngọt ngọt tự nhiên, thịt béo ngậy, ít xương, thơm mùi tiêu xay hấp dẫn, món này phải ăn kèm với cơm trắng khi còn nóng, tuy giản dị nhưng lại rất thơm ngon.
Lẩu bần
Mùa nước nổi ghé đến miền Tây làm sao có thể bỏ qua nồi lẩu bần dân dã. Người ta dầm bần với nước sôi, đổ vào nấu để lấy vị chua thanh tự nhiên, bỏ thêm chút ớt để có vị cay the dễ chịu.
Nồi lẩu lớn để trên bếp, đun liên tục với lửa vừa phải, lần lượt bỏ các loại thức ăn vào trong. Đầu tiên là từng lát cá được cắt sẵn, tiếp theo là nhiều loại hải sản như tôm, sò,… rồi đến các loại rau.
Mùa nước nổi ghé đến miền Tây làm sao có thể bỏ qua nồi lẩu bần dân dã. Ảnh: cooky
Lẩu bần của người miền Tây mang đậm dấu ấn “hương đồng gió nội”, nghĩa là mùa này có loại rau lá nào ăn được thì họ có thể dùng luôn thứ ấy, ví dụ như bông súng, bông điên điển, rau muống, kèo nèo, lục bình… mùi vị thập cẩm rất nịnh miệng. Cá hay nấu lẩu là cá ngát, cá lóc, cá bông lâu và cá basa, cũng là nguyên liệu có sẵn, dễ bắt vô cùng.
Lẩu bần của người miền Tây mang đậm dấu ấn hương đồng gió nội. Ảnh: pastgo
Trên bàn ăn có thêm một bát nước chấm ớt tỏi thơm phức, bún tươi mềm mại, ăn tới đâu chan nước tới đó. Gắp từng đũa rau, từng miếng cá chấm vào nước mắm, vừa thổi vừa ăn ngon không gì bằng. Món lẩu bần thích hợp dùng khi tụ tập cùng bạn bè, vừa ăn vừa trò chuyện, đủ vị chua cay mặn ngọt sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Món ăn này được phục vụ ở nhiều nhà hàng tại miền Tây. Ảnh: pastgo
Gỏi bông bần
Ngoài trái bần, những phần khác của cây bần cũng có thể nấu thành món ăn, ví dụ như gỏi bông bần hay thịt chuột đồng xào đọt bần. Bần trổ bông từ khoảng tháng 6 đến tháng 9 âm lịch hàng năm.
Cánh hoa tím hồng còn nhụy thì trắng muốt. Lúc hoa mới ở dạng búp chưa nở quá lớn, người ta sẽ hái về, tách ra, lấy phần cánh hoa ngâm nước muối, sau đó cắt thành sợi để trộn với gỏi.
Bông bần cũng có thể nấu ăn. Ảnh: cooky
Thịt heo/bò thái lát mỏng, tôm sông, cá sặc chọn con nho nhỏ vừa ăn, làm sạch, luộc qua cho chín rồi trộn chung với bông bần. Tiếp theo, cho nước mắm ớt tỏi vào trộn đều, thêm chút chanh để có vị chua chua cay cay thơm ngon hấp dẫn. Gỏi bông bần còn được xem là đặc sản nổi tiếng ở vùng Cù Lao Dung, Sóc Trăng.
Món gỏi bông bần trong các nhà hàng tại miền Tây. Ảnh: thamhiemmekong
Chuột đồng xào đọt bần
Chuộc đồng xào đọt bần là món mồi nhắm dân dã người miền Tây ăn khi uống rượu đế. Họ bắt những con chuột cơm chạy ngoài đồng, ăn lúa đến tròn vo, béo núc về, đốt rơm thui sạch lông rồi làm thịt.
Thịt chuột cơm có màu hồng tươi, ngon hơn cả thịt gà. Người ta làm sạch ruột lòng, loại bỏ cục xạ gây hôi đi, chỉ giữ lại lá gan và chặt thịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị đầy đủ.
Chuột đồng tựa như thịt gà nhưng ngon hơn. Ảnh: cooky
Chọn những đọt bần non, rửa sạch rồi cắt thành sợi. Sau khi phi tỏi hành cho thơm thì đổ thịt chuột vào, xào chín rồi tiếp tục cho đọt bần vào đảo đều. Khi đọt bần ngả màu nâu thì tắt bếp.
Món ăn này ăn kèm với bánh tráng nướng, chấm với nước mắm ớt tỏi thơm ngon. Vị chua chua, chan chát của đọt bần hòa cùng vị béo ngọt của thịt chuột làm thành món ăn độc đáo miền sông nước khiến ai ai cũng muốn được thưởng thức một lần.
Món ăn ngon ai ai cũng muốn thử. Ảnh: pastgo
Công dụng khác của cây bần
Ngày nay, nước cốt bần, mứt bần được đóng hộp tiện lợi để dễ dàng sử dụng khi nấu lẩu chua hoặc thịt luộc. Cây bần cũng rất hữu ích trong đông y. Lá bần đem giã ra, đắp lên vết thương có thể làm tan máu bầm.
Ở Ấn Độ, người ta thường dùng dịch trái bần lên men để làm thuốc ngăn chặn chứng xuất huyết. Ở Malaysia, người ta giã lá trộn với cơm làm thuốc đắp chữa bí tiểu tiện.
Bần còn có nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: vnexpress
Mùa này về dưới miền Tây, bạn nên nhân cơ hội thưởng thực hương vị dân dã, hoang dại của những món ăn nấu từ trái bần này, đồng thời khám phá nền ẩm thực phong phú, đặc sắc ở vùng sông nước nơi đây.
(Theo Báo Thể thao Việt Nam)
Sưu tầm: Ngô Diệp