Thu về, cái se se lạnh khiến mỗi người thường nhớ về những ngày thơ ấu, những đêm trăng rằm hay những mâm cỗ ngắm trăng. Cũng là một trong những sản vật của mùa thu, những trái bưởi chín mọng dễ ăn và dễ chế biến đã mang lại đặc trưng cho những ngày thu đất Bắc.
Khác với người miền Nam vốn đã quá quen thuộc, cái vị chua ngọt của bưởi, hương hành phi và vị ngọt đậm của tôm thịt đã đem lại cảm giác lạ miệng cho những người miền Bắc.
Món gỏi bưởi thường thấy ở những quầy ăn nhẹ của một số nhà hàng. Tuy nhiên, không cần đến nhà hàng, mỗi người đều có thể dễ dàng thưởng thức hương vị tổng hợp và lạ miệng từ gỏi bưởi do chính tay mình làm theo những cách khác nhau.
Tuy nhiên, theo công thức chung cho món ăn tưởng đơn giản mà lại cầu kỳ này thì làm gỏi bưởi cần có những nguyên liệu như tép bưởi, nước sốt bưởi hoặc cà chua, thịt gà, tôm luộc bóc vỏ, dừa nạo, lạc rang, tương ớt, nước dừa, chanh, muối, đường.
Chọn những quả bưởi có múi to, bóc vỏ giữ cho tép bưởi còn dính với nhau thành từng cụm, không bị vỡ nhỏ. Thịt gà nạc đã luộc đem xé nhỏ trộn lẫn với tôm luộc đã bóc vỏ, tép bưởi và nêm gia vị.
Tiếp đó là chế biến nước sốt. Lấy nước dừa còn lại đun sôi, sau đó vắt chanh, cho đường, muối và ớt sao cho hợp khẩu vị. Có thể làm nước sốt đậm đặc hơn bằng việc cho thêm thịt tôm băm nhuyễn vào.
Sau khi đã làm xong nước sốt thì cho tất cả hỗn hợp này trộn với tép bưởi và thịt gà vào tô. Múc gỏi ra đĩa, dùng dừa nạo sợi, lạc rang, rau thơm, để trang trí cho hấp dẫn. Gỏi bưởi có thể dùng chung với dưa leo và rau thơm các loại.
Nếu không muốn làm gỏi ướt, khi trộn xong nguyên liệu tép bưởi, tôm nõn, thịt gà nạc xé nhỏ có thể giữ nguyên không dùng với nước sốt. Sau đó, bày ra đĩa và trang trí sao cho đẹp mắt. Khi ăn, dùng nước mắm ngon pha cho lạt bớt và dầm ớt ít tỏi và ít đường để vào chén nhỏ, khi ăn xúc gỏi ra chén rồi rưới ít nước mắm pha nói trên vào gỏi cho vừa miệng.
Nguồn : SGT