Dân trí - Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, ăn kèm nước tương đen đặc biệt, món "phở khô 2 tô" nức tiếng ở mảnh đất Gia Lai hấp dẫn thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Phở là một trong những món ăn được ưa chuộng nhất của người Việt. Ở mỗi địa phương, phở lại được chế biến theo nhiều cách khác nhau với hương vị đặc trưng riêng.
Nhưng không giống phở nước, phở xào, phở chiên hay phở cuốn, món phở khô nổi tiếng ở Gia Lai lại có hình thức và cách chế biến, thưởng thức khác lạ. Thay vì bày gọn vào một bát hoặc đĩa, phở khô Gia Lai được phục vụ thành 2 tô riêng biệt: một tô đựng phở, một tô đựng nước lèo (nước dùng).
Từ một món ăn lạ miệng của người địa phương, phở khô 2 tô trở thành đặc sản nức tiếng phố núi (Ảnh: Phở khô Hưng Huỳnh).
Không chỉ cầu kỳ trong cách bài trí phục vụ mà món phở khô còn đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công. Theo người dân địa phương, sợi phở khô được làm hoàn toàn bằng bột gạo.
Gạo sau khi được vo sạch, ngâm, xay nhuyễn sẽ đem tráng thành bánh và dùng máy cắt thành các sợi nhỏ đều nhau. Tuy rất giống hủ tiếu nhưng sợi phở khô nhỏ và dai hơn.
Vì thành phần hoàn toàn là bột gạo nên sợi phở khi chế biến vẫn dai và thơm chứ không bị nhũn hay dính (Ảnh: Ngo Thuc Uyen).
Khi thực khách gọi món, đầu bếp mới bắt đầu trụng phở vào nước sôi. Chờ cho sợi phở khô lại sau khi chần mới bày vào tô để đảm bảo phở có độ dai vừa miệng.
Phở khô Gia Lai được chế biến thành nhiều hương vị với các nguyên liệu khác nhau, chủ yếu ăn kèm thịt gà và thịt bò. Thực khách có thể thưởng thức phở khô gà, phở khô bò hoặc phở khô thập cẩm.
Phở khô Gia Lai có thể chế biến với nhiều hương vị khác nhau nhưng luôn được phục vụ bằng hai tô (Ảnh: Thảo Nguyên).
Với phở khô gà, thịt gà phải dính da, xé phay đặt trên bánh phở, thêm thịt heo bằm phi với tóp mỡ, hành khô. Còn phở khô bò gồm thịt bò tái, bò viên nhưng thịt để riêng trong tô nước dùng thơm nức mũi.
Nếu gọi suất thập cẩm, đầu bếp sẽ đặt thịt gà xé sẵn vào tô phở cùng chút thịt bằm béo ngậy, còn nước lèo cho thêm thịt bò. Phở và nước dùng được để riêng hai tô giúp thực khách có thể ăn khô hoặc ăn ướt tùy sở thích.
Mỗi suất gồm 1 tô phở khô, 1 tô nước lèo, 1 chén tương đen kèm theo đĩa giá đỗ và rau sống (Ảnh: Phở khô Cô Ba).
Đặc biệt, thứ làm nên "thương hiệu" cho món phở khô Gia Lai còn nằm ở bát nước chấm độc đáo. Thay vì dùng nước mắm như các món phở khác, phở khô được ăn kèm tương đen làm từ đậu nành và đường vàng hoặc xì dầu.
Phở khô Gia Lai ăn kèm tương đen khá lạ miệng (Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn).
Khi thưởng thức, thực khách cần tách cho sợi phở rời ra, thêm rau sống, giá đỗ và tương đen rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau. Gắp miếng phở thơm mùi gạo với thịt bằm béo ngậy, hòa quyện cùng tương đen đậm đà và chút rau thanh mát, ăn kèm nước dùng nóng hổi, ngọt vị xương đủ khiến thực khách cảm nhận trọn vẹn hương vị món phở hai tô.
Thực khách có thể thưởng thức món phở khô Gia Lai ở nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn là khi ghé thăm phố núi (Ảnh: Phở khô Hưng Huỳnh).
Món phở khô hiện được bán ở nhiều nơi nhưng không nơi nào chế biến ngon và tròn vị bằng Gia Lai. Tại thành phố Pleiku, du khách có thể dễ dàng tìm và thưởng thức món đặc sản này ở nhiều quán ăn, nhà hàng, ví dụ một số quán lâu năm nổi tiếng như: quán Ngọc Sơn, quán Hồng, quán Tàu Lý, quán Bé Tư,...
Mỗi suất phở khô có giá dao động 30.000 - 50.000 đồng tùy lượng nhân thịt mà thực khách lựa chọn.
Thảo Trinh